
Bất luận thế nào, cầu Nhị Thiên Đường 1 hiện hữu cũng đang đứng trước sự thúc bách cần phải có khuôn mặt mới để đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng về giao thông đi lại trong khu vực.
Hàng loạt hạn chế
Cầu Nhị Thiên Đường 1 nằm trên đường Tùng Thiện Vương thuộc địa bàn quận 8 vốn dĩ được xây dựng từ thập niên 20 của thế kỷ trước, chính xác là năm 1925. Tính ra đến nay cầu đã có 90 năm khai thác.
Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, cầu Nhị Thiên Đường 1 nói riêng và cả cầu Nhị Thiên Đường 2 nói chung giữ một vai trò điều phối thông thương quan trọng bởi đặc thù nằm trên trục giao thông có chức năng đối ngoại, có thể kết nối với các vùng và các khu vực đô thị kế cận thông qua tuyến Quốc lộ 50 như đường Phạm Thế Hiển, đường Tùng Thiện Vương, Bến Bình Đông, đường Tuy Lý Vương, đường Bùi Minh Trực, đường Nguyễn Văn Của…

Cầu Nhị Thiên Đường 1 hiện đang xuống cấp. Ảnh: CAO THĂNG
Mặc dù có vai trò quan yếu như vậy thế nhưng điều đáng tiếc là hiện nay cầu Nhị Thiên Đường 1 đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện tại cầu chỉ có tải trọng khai thác không quá 1,5 tấn. Sự hạn chế này giải thích vì sao lâu nay cầu Nhị Thiên Đường 2 kế cận phải căng mình tiếp sức cho cầu Nhị Thiên Đường 1 bằng cách tiếp nhận các loại phương tiện có tải trọng vượt hơn 1,5 tấn. Có những khi sự chia lửa, tiếp sức cho nhau sẽ khiến cả hai cùng phát triển nhưng điều đó không đúng cho trường hợp của hai cây cầu Nhị Thiên Đường 1 và 2. Đơn giản là vì chính bởi sự cáng đáng khối lượng xe có tải trọng từ trên 1,5 tấn trở lên giùm cho cầu Nhị Thiên Đường 1 đã vô hình trung làm giảm năng lực lưu thông của cả hai cây cầu này. Thậm chí trên thực tế đã từng có những sự cố giao thông nghiêm trọng xảy ra ở đây mà lẽ ra có thể tránh được nếu như cầu Nhị Thiên Đường 1 cũng đáp ứng được yêu cầu về tải trọng khai thác và hoàn chỉnh về tổ chức giao thông.
Bài toán thay mới
Nhu cầu thay mới cầu Nhị Thiên Đường 1 là điều hiển nhiên, vấn đề là sẽ được thay mới như thế nào, cần sửa chữa nâng cấp hay là xây dựng mới hoàn toàn?
Suốt một thời gian dài gần đây, ngành giao thông vận tải (GTVT) đã phải đặt lên bàn cân rất nhiều phương án lựa chọn. Điều làm nhức đầu cơ quan chức năng ở chỗ dường như không có phương án nào hoàn hảo.
Ưu điểm trong phương án nghiên cứu theo hướng chỉ sửa chữa, nâng cấp cầu Nhị Thiên Đường 1 hiện hữu là sẽ giúp giữ được cơ bản kiến trúc và kết cấu cầu đồng thời ít ảnh hưởng đến quá trình tổ chức giao thông hơn so với phương án xây dựng mới. Tuy nhiên, phương án này lại quá nhiều hạn chế như: mất cân đối về kiến trúc giữa hai cầu Nhị Thiên Đường 1 và Nhị Thiên Đường 2, thiếu sự hài hòa đồng bộ cảnh quan đô thị trong khu vực, chi phí sửa chữa cao khi mà dự kiến suất đầu tư nâng cấp khoảng 60 triệu đồng/m² cầu tức là cao hơn so với suất đầu tư xây dựng mới, chi phí bảo dưỡng duy tu các bộ phận như cáp, neo sẽ cao hơn so với phương án xây dựng mới…
Trái lại trong phương án xây dựng mới cầu Nhị Thiên Đường 1 lại có hàng loạt ưu điểm: đồng bộ về kết cấu với cầu Nhị Thiên Đường 2, tạo được kiến trúc cân đối giữa hai cầu; có thể triển khai xây dựng công trình ngay do không phải bồi thường giải phóng mặt bằng; chi phí duy tu, bảo dưỡng thấp nhất so với phương án sửa chữa nâng cấp cầu; thời gian thi công ngắn… Điểm nhược của phương án xây dựng mới cầu đó là áp lực giao thông lên cầu Nhị Thiên Đường 2 sẽ tăng trong suốt thời gian thi công. Yếu tố giảm nhẹ ở đây là có thể tận dụng các trục đường chung quanh khu vực để san sẻ áp lực lưu thông.
Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm, cho biết, sau khi cân nhắc tất cả các phương án và tham khảo với các sở ngành liên quan như Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở GTVT đã kiến nghị lên chính quyền thành phố xem xét lựa chọn phương án đầu tư xây dựng cầu mới. “Cầu Nhị Thiên Đường 1 xây mới sẽ có kết cấu, kiểu dáng công trình tương tự cầu Nhị Thiên Đường 2, có nghiên cứu thiết kế khôi phục nhiều hạng mục như lan can, chiếu sáng, trang trí để lưu dấu một số nét kiến trúc của cầu Nhị Thiên Đường 1 hiện hữu” - Phó giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm nhấn mạnh.
Thiện Nhân
| |