
Ngày 20-8 tới đây, người dân 3 dãy cù lao xứ dừa Bến Tre sẽ đón mừng sự kiện: hợp long cầu Rạch Miễu. Trải bao năm đò giang cách trở, giờ đây Bến Tre sắp được nối liền với các tỉnh, thành, là niềm hoài mong và hy vọng của biết bao người.
Sẵn sàng cho lễ hợp long

Công nhân Công ty cầu 12 đang hoàn tất các công đoạn cuối cùng trên cầu phụ. Ảnh: T.M.T.
Cách nay hơn 6 năm (ngày 30-4-2002), lúc nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải phát lệnh thi công cầu Rạch Miễu, hàng ngàn người đứng bên bờ sông Tiền đã dâng trào xúc động. Và niềm vui cháy bỏng đó đang sắp trở thành hiện thực với nhân dân đôi bờ Bến Tre - Tiền Giang.
“6 năm là một quãng thời gian không quá dài, nhưng với người dân Bến Tre, niềm hy vọng về cây cầu nối đôi bờ sông Tiền có lúc tưởng chừng không thành hiện thực” – ông Huỳnh Văn Be, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre tâm sự. Quả thật, suốt từ khi khởi công dự án đến gần 2 năm sau đó, cây cầu mới được thi công nước rút do thiếu vốn, do năng lực nhà thầu và cả vụ án cắt ống vách thép trụ cầu xôn xao năm nào.
So với những câu cầu dây văng hiện đại khác như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Bãi Cháy, cầu Rạch Miễu mang ý nghĩa đặc biệt vì do người Việt Nam thiết kế và được xây dựng bằng nguồn vốn trong nước với sự hỗ trợ kỹ thuật của hãng SVL (Thụy Sĩ). Cầu Rạch Miễu dài 2.878m, gồm cầu số 1 (phía Tiền Giang) và cầu số 2 (phía Bến Tre), trong đó hai trụ tháp được treo cáp dây văng là trụ tháp T18 và T19 trên phần cầu số 1. Ở hai trụ tháp kéo cáp dây văng, mỗi trụ được đặt trên 20 cọc khoan nhồi có đường kính 2m khoan sâu xuống đất 90m; mỗi trụ sẽ kéo 56 sợi cáp dây văng, tổng cộng 112 sợi, sợi ngắn nhất dài 100m và dài nhất là 250m.
Đến nay, tất cả 112 sợi cáp dây văng ở trụ tháp T18 và T19 đã treo xong, nó tựa như những cung nhạc buông lững lờ trên dòng sông Tiền. Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc Ban quản lý các dự án giao thông 9 (Bộ GTVT) cho biết: Cuối tháng 7-2008, Công ty cổ phần Bê tông 620 Châu Thới đã hoàn thành lắp đặt dầm super T cuối cùng trên cầu Rạch Miễu. Công ty đã thi công xong toàn bộ cầu dẫn lên, xuống cầu dài 1.360m, gồm 21 trụ cầu, lắp đặt 178 dầm cầu…
Hiện tại, Công ty 620 tiếp tục hoàn thành phần lan can cầu, mặt cầu, thảm bê tông nhựa nóng vào giữa tháng 8-2008. Công ty cầu 14 và cầu 12 đã đổ bê tông xong dầm cầu chính dây văng. Đêm 12-8, các đơn vị thi công cầu đã tổ chức hợp long kỹ thuật phần nhịp dây văng - đánh dấu mốc quan trọng: chấm dứt sự cách trở của xứ dừa Bến Tre với các tỉnh, thành từ khi mở đất đến nay.
Ngoài phần cầu dây văng, các đơn vị thi công cũng đang hoàn thành các công đoạn cuối trên cầu số 2 để chính thức hợp long cầu Rạch Miễu vào sáng 20-8-2008. Sau lễ hợp long cầu, các đơn vị thi công sẽ trải bê tông nhựa mặt cầu, làm lan can, lắp đặt hệ thống chiếu sáng để cầu Rạch Miễu có thể thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 9-2008. Hiện tại, dù người dân chưa được lên cầu số 1, nhưng chiều nào cũng vậy, không ít bà con chạy xe lên cầu số 2 ngắm nhìn 2 trụ tháp của cây cầu chính cho thỏa lòng mong ước.
Đòn bẩy cho quê hương xứ dừa
Nhận định về lợi thế của Bến Tre sau khi cầu Rạch Miễu hoàn thành, ông Huỳnh Văn Be, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Cầu Rạch Miễu là niềm mong đợi của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xứ Dừa. Cây cầu sẽ phá thế cách trở, tạo điều kiện cho Bến Tre hội nhập, phát triển và góp phần xóa đói giảm nghèo. Cây cầu sẽ tạo ra trục tam giác liên hoàn, nối Bến Tre với các tỉnh ven biển của ĐBSCL, đưa Bến Tre xích gần hơn với TPHCM, mở ra hướng giao lưu kinh tế quan trọng, thúc đẩy địa phương khai thác tiềm năng và thế mạnh sẵn có của mình”.

Nhịp giữa cầu Rạch Miễu sắp nối liền, chuẩn bị hợp long.
Trước tiên là triển vọng thu hút đầu tư. Đến nay, nhiều dự án đón đầu cầu Rạch Miễu ở ĐBSCL đang được triển khai. Bến Tre đang đón nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội làm ăn”. Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại-đầu tư tỉnh Bến Tre, tính từ khi thời điểm năm 2004, tổng vốn đầu tư vào Bến Tre mới khoảng 5 triệu USD thì năm 2006 đã nhảy vọt trên 23 triệu USD. Năm 2007 tổng vốn kêu gọi đầu tư vào KCN Giao Long và CCN An Hiệp là 329,563 tỷ đồng, tăng 42% so năm 2006 và 69,1 triệu USD đối với doanh nghiệp FDI, tăng 151% so năm 2006. Cũng trong năm này, chỉ số năng lực cạnh tranh của Bến Tre tăng đáng kinh ngạc, đứng hạng thứ 14/64 tỉnh thành, tăng 12 bậc so với năm 2006.
Dẫn đầu danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tại Bến Tre hiện nay là các doanh nghiệp Thái Lan, với số vốn đăng ký 18/23,4 triệu USD, trong đó Công ty Alliance One đang xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm thể thao nổi tiếng của các hãng Adidas, Nike, Puma, chuẩn bị đi vào hoạt động trong tháng 8 này.
Các doanh nghiệp Thái Lan đang xin lãnh đạo tỉnh đầu tư tiếp nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu dành cho ngành may, vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 15 triệu USD. Một nhà đầu tư khác của Thái Lan là Công ty bao bì Liberty, xin đầu tư sản xuất bao bì nhựa để cung cấp cho các nhà máy may mặc và xuất khẩu. Đặc biệt, Công ty CP Thái Lan đang chuẩn bị đầu tư 45 triệu USD, xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản tại Cụm công nghiệp An Hiệp, công suất 100 ngàn tấn sản phẩm/năm, cung cấp cho thị trường Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL.
Công ty tàu biển Sekwang cũng đang tiến hành nghiên cứu tiền khả thi dự án tổ hợp công nghiệp - đô thị biển tại huyện Ba Tri và Công ty Dasan, cũng của Hàn Quốc, đề xuất dự án xây dựng KCN, đô thị, du lịch quy mô lớn tại huyện Châu Thành. Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore đến xin đầu tư vào các lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị thị xã Bến Tre, khu sinh thái nghỉ dưỡng. Đáng chú ý là có một doanh nghiệp Pháp xin thuê 1.000 ha đất trồng và chế biến ca cao xuất khẩu.
Ngoài triển vọng thu hút đầu tư tạo sức bật kinh tế, cầu Rạch Miễu hoàn thành đã tạo ra một hệ thống giao thông quan trọng cho vùng. Hiện nay, QL 60 nối Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng đã được nâng cấp. Trong đó, phà Cổ Chiên trên tuyến Bến Tre - Trà Vinh đã hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối năm 2007. Ý tưởng xây cầu Cổ Chiên nối đôi bờ Bến Tre -Trà Vinh đã được khảo sát và lập dự án.
Quốc lộ 57 nối Bến Tre - Vĩnh Long cũng đang được sửa sang và thi công xây dựng mới hàng chục cầu bê tông tải trọng 30 tấn thay thế các cầu gỗ đang xuống cấp. Cầu vượt sông Hàm Luông thay phà Hàm Luông đã khởi công vào đầu năm 2007, đến nay đã hoàn thành gần 20% khối lượng công việc. Như vậy, sau khi cầu Rạch Miễu và Hàm Luông hoàn thành, đường từ Bến Tre đến Trà Vinh, Sóc Trăng theo Quốc lộ 60 sẽ ngắn hơn theo Quốc lộ 1A (qua cầu Mỹ Thuận) gần 100 km. Từ Bến Tre đến Vĩnh Long theo Quốc lộ 60, tỉnh lộ 884 (Bến Tre) và Quốc lộ 57 sẽ ngắn hơn đi theo Quốc lộ 1A được 45 km.
Hiện nay, trên cồn Thới Sơn, tỉnh Tiền Giang, ngành du lịch đang được đầu tư phát triển và làn sóng đầu tư vào hai khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp ở huyện Châu Thành của Bến Tre cũng đang rộn rịp. Nhiều dự án về giao thông nông thôn, du lịch sinh thái, khai thác thủy sản, thượng mại... đang được tỉnh Bến Tre triển khai để có thể hoạt động ngay sau khi cầu Rạch Miễu hoàn thành.
Thông thường dòng xe cộ qua phà Rạch Miễu phải mất tối thiểu 25 phút, riêng xe chở hàng hóa còn chậm hơn, song khi cầu Rạch Miễu hoàn thành, xe qua cầu chỉ mất 5-7 phút và lưu lượng có thể phát huy tối đa. Cầu Rạch Miễu không chỉ đơn thuần giải quyết việc đi lại dễ dàng, nhanh chóng mà cầu sẽ là bệ phóng giúp Bến Tre vực dậy toàn lực tiềm năng kinh tế tỉnh nhà. Từ thuận lợi đó, Bến Tre sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến hàng nông sản và các ngành công nghiệp mũi nhọn khác.
Ngoài ra, với địa thế cù lao, sông nước chằng chịt, du lịch nghỉ dưỡng cũng là thế mạnh đặc trưng của địa phương. Hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu và chuẩn bị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực này. Khi cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông thông xe, các khu công nghiệp và hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ đã sẵn sàng, chủ động đón đầu cơ hội phát triển.
Cầu Rạch Miễu nằm trên quốc lộ 60 nối hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang; cách TPHCM 70km và cách ngã ba Trung Lương (QL1A) 3km. Cầu Rạch Miễu có vị trí cách bến phà hiện hữu về phía thượng lưu sông Tiền khoảng 1km, chiều dài toàn tuyến khoảng 11.130m, trong đó phần đường dẫn và cầu dài 8.331m, được thiết kế bằng bê tông và dây văng. Phần cầu bê tông dài 920m, rộng 50m, khoảng thông thuyền 7m. Phần cầu dây văng dài 1.710m, rộng 15m, có tĩnh không thông thuyền bằng với cầu Mỹ Thuận (37,5m). Các tàu biển có trọng tải 1.000-6.000 DWT vào sông Tiền để ngược lên Phnom Penh (Campuchia) có thể qua cầu dây văng này an toàn. Cầu Rạch Miễu được xây dựng theo phương thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Dự kiến thời gian hoàn vốn xây cầu là 11 năm, phí qua cầu tương đương qua phà Rạch Miễu hiện nay. Dự án được đầu tư theo phương thức: xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT). Tổng mức đầu tư là 988 tỷ VND, trong đó có hơn phân nửa được đầu tư trực tiếp bằng vốn ngân sách nhà nước với 571 tỷ VND, chiếm 58% và phần vốn BOT 417 tỷ VND, chiếm 42%. Chủ đầu tư phần vốn BOT: gồm Liên doanh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO 1), CIENCO 5 và CIENCO 6. |
Minh Trường - Hoàng Hà