Cây chết gần bãi chứa tro xỉ than Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 là do ngập úng

Viện Môi trường và Tài nguyên đã kết luận nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cây trôm bị chết gần bãi chứa tro xỉ than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (khu vực sân xe chùa Linh Sơn Tự, thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) là do bị ngập úng.

Bãi chứa tro xỉ than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.
Bãi chứa tro xỉ than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

Ngày 26-10, Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận cho biết, đơn vị vừa có báo cáo kết quả công bố nhiệm vụ xác định nguyên nhân cây chết, nước giếng bị nhiễm mặn, đất bị ngập úng nước, nhiễm mặn,...của các hộ dân sinh sống gần bãi chứa tro xỉ than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong).

Đất nhiễm mặn, cây chết bất thường

Tháng 2-2017, một số hộ dân sinh sống tại khu vực sân xe chùa Linh Sơn Tự, phía Tây Nam bãi thải xỉ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có phản ánh về tình trạng cây trồng lâu năm và hoa màu bị chết, nước giếng nhiễm mặn làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Tổ công tác 2896 (nay là Tổ công tác 1072) của UBND tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát thực tế và lấy, phân tích mẫu nước, đất tại khu vực các hộ dân phản ánh; đồng thời lấy mẫu tro xỉ, mẫu nước tưới trong bãi xỉ để phân tích, đánh giá.

Qua kết quả phân tích mẫu nước dưới đất, mẫu đất của các hộ dân và mẫu tro xỉ, mẫu nước của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cho thấy hàm lượng Clorua trong nước ngầm của 3/4 hộ dân vượt từ 1,2 lần đến 1,8 lần, hàm lượng Clorua trong 4/5 hồ nước để phục vụ nhu cầu tưới tro, xỉ vượt từ 1,05 lần đến 1,8 lần, đất bị mặn.

Để xác định nguyên nhân dẫn đến ngập úng, cây chết, nước bị nhiễm mặn, UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất chọn đơn vị độc lập là Viện Môi trường và Tài nguyên thực hiện nhiệm vụ xác định nguyên nhân cây chết nước giếng nhiễm mặn, đất bị ngập úng và nhiễm mặn, phạm vi ảnh hưởng, mức độ thiệt hại của các hộ dân sinh sống tại khu vực trên.

Nước giếng của người dân sống gần bãi chứa tro xỉ than Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 bị nhiễm mặn, không sử dụng được.

Ngay sau đó, Viện Môi trường và Tài nguyên đã đo vẽ chi tiết địa hình khu vực nghiên cứu; đo địa vật lý (ảnh điện) dọc 4 tuyến cắt ngang qua khu vực bị ảnh hưởng tiềm năng, tổng cộng khoảng 3000 mét; tổ chức khoan bổ sung 8 lỗ khoan địa chất thủy văn dựa vào kết quả đo ảnh điện; lấy mẫu khảo sát bổ sung các mẫu đất trong khu dân cư, đất có lẫn san hô đổ đống ven đường, mẫu nước ngầm, nước mặt ở khu vực xung quanh bãi xỉ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2; điều tra, khảo sát thực tế tình trạng cây chết, nước giếng bị nhiễm mặn, đất bị ngập úng nước, nhiễm mặn tại khu vực nghiên cứu;…

Cây chết là do bị ngập úng

Sau khi khảo sát và nguyên cứu, Viện Môi trường và Tài nguyên đã kết luận như sau. Khu vực cây trôm bị chết hoặc bị ảnh hưởng là 4,63 ha, hơn 13 ha đất bị ngập úng và diện tích nước dưới đất bị lợ là hơn 12,4 ha.

Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cây trôm bị chết ở khu vực sân xe chùa Linh Sơn Tự, thôn Vĩnh Phúc (xã Vĩnh Tân) là do bị ngập úng, không phải do bị nhiễm mặn.

Nguyên nhân gây ngập úng cục bộ ở khu vực này là do trong năm 2016 lượng mưa tại khu vực này gia tăng đột biến so với các năm từ 2012-2015 nên đã góp phần thúc đẩy nhanh sự ngập úng. 

Đồng thời, điều kiện tiêu thoát nước ở khu vực này kém. Hệ thống cống thoát nước bề mặt ngang qua tuyến đường sắt Bắc – Nam không được duy tu bảo dưỡng tốt, cây cối mọc nhiều phía trước miệng cống làm cản trở dòng chảy, giảm năng lực thoát nước từ đó góp phần làm gia tăng mức độ ngập úng tại khu vực.

Sự hình thành bãi thải xỉ đã làm thay đổi địa hình tự nhiên, thay đổi chế độ dòng chảy bề mặt và dòng chảy ngầm dẫn đến sự dồn đọng nước tập trung về khu vực trũng thấp và gây ra ngập úng.

Ngoài ra, khu vực cây bị chết do chưa có tuyến kênh thoát lũ ở phía Bắc bãi chứa tro xỉ than Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 nên nước mưa từ trên sườn núi cao đổ xuống không có đường tiêu thoát, bị thấm hết xuống đất làm gia tăng dòng chảy ngầm và mực nước ngầm tầng nông.

Sự hình thành bãi thải xỉ đã làm thay đổi địa hình tự nhiên, thay đổi chế độ dòng chảy bề mặt và dòng chảy ngầm ngang qua khu bãi xỉ, dẫn đến sự dồn đọng nước tập trung về khu vực trũng thấp phía Tây bãi xỉ và gây ra ngập úng.

Về nguyên nhân gây nhiễm mặn đất và nguồn nước ở khu vực xung quanh bãi xỉ hoàn toàn không có nguồn gốc nào từ tự nhiên mà chủ yếu là do tác động của con người.

Quan sát thực tế cho thấy, tại khu vực này dọc theo các tuyến đường mòn phía Tây và phía Bắc bãi xỉ có những đống đất cát có lẫn san hô. Hiện tượng đổ đất ở đây được ghi nhận từ năm 2016 do quá trình thi công các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Các đống đất này có nguồn gốc từ phía ven biển đưa lên (trong thành phần có một số mảnh san hô) mang theo một hàm lượng muối nhất định trong đó. Theo thời gian, khi gặp mưa, độ mặn trong đất bị rửa trôi theo nước mưa, một phần chảy tràn trên bề mặt xuống khu vực trũng thấp phía Tây bãi xỉ, một phần thấm xuống đất đi vào tầng nước ngầm mạch nông, từ đó góp phần gây nhiễm mặn cho khu vực xung quanh.

Theo Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận, kết quả thực hiện nhiệm vụ của Viện Môi trường và Tài nguyên được các hộ dân bị ảnh hưởng đồng tình. Người dân đã đề nghị chính quyền sớm tập trung thực hiện các bước để hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng do ngập úng trong thời gian qua để ổn định cuộc sống. 

Tin cùng chuyên mục