Chăm cháu nơi xứ người

Ngày nay, chuyện các thế hệ người Việt trẻ đi du học rồi ở lại nước ngoài sinh sống, làm việc không còn xa lạ.
Niềm vui của ông bà bên cháu (ảnh minh họa)
Niềm vui của ông bà bên cháu (ảnh minh họa)

Các gia đình Việt nhỏ nơi xứ người cứ thế đông dần lên. Tuy nhiên, vì cuộc sống bận bịu, giờ giấc nơi làm việc cũng khá nghiêm ngặt nên chuyện thu xếp thời gian chăm bọn trẻ không phải vấn đề nhỏ. Bà Thu Nguyễn theo chồng định cư tại San Jose, bang California, Mỹ cách đây 20 năm. Giờ đây ở tuổi U70, sau khi nghỉ xưởng làm, bà có công việc mới là chăm đàn cháu nội, ngoại 6 đứa ở độ tuổi sàn sàn nhau, trong đó có 2 cặp sinh đôi. Nhờ kinh nghiệm chăm sóc 3 người con nên với bà, chăm sóc cháu không khó. Hơn nữa, các con cũng ngại bà cực nên thuê thêm người phụ. Hàng ngày, căn nhà của bà trở thành “nhà trẻ”, may mà có ông và 2 người giúp việc nên mọi việc cũng không đến nỗi quá vất vả. Theo bà, cái chính là ông bà được gần gũi các cháu và chơi cùng bọn trẻ cũng giúp ông bà vui hơn. Riêng 2 ngày cuối tuần, ông bà có phần thảnh thơi hơn vì cha mẹ các cháu nghỉ làm.

Là bạn thân của bà Thu, bà Nguyệt Phạm cũng chăm 3 cháu nội ngoại và ở không xa bà Thu nên có khi 2 bà đưa các cháu qua lại chơi, càng đông vui nhộn nhịp hơn. “Ngoài việc chăm sóc các cháu, chúng tôi quan niệm phải dạy cho các cháu nói tiếng Việt ngay từ khi mới tập nói cũng như dạy phép tắc của người Việt”, bà Nguyệt Phạm chia sẻ. Bà cũng lo ngại như nhiều gia đình khác, sau khi các cháu đến trường là quên tiếng Việt và quên cả lễ nghĩa của người Việt. Nhưng may mắn là các con của 2 bà đều hiểu được tầm quan trọng của việc duy trì văn hóa và ngôn ngữ Việt nơi xứ người nên 2 bà an tâm phần nào. Bà Nguyệt Phạm còn kể câu chuyện một gia đình người Việt ở California có nguyên tắc là ra ngoài nói tiếng gì cũng được nhưng về nhà phải nói tiếng Việt, ai vi phạm sẽ phải đóng phạt 5USD mỗi lần vào quỹ gia đình.

Hoàn cảnh của bà Tâm Huỳnh lại khác. Vì chồng bà còn mẹ ở Việt Nam nên ông không muốn cùng bà định cư ở Mỹ. Do đó, mặc dù cũng đang chăm sóc 2 cháu ngoại ở Houston, bang Texas, nhưng bà Tâm Huỳnh vẫn thường về Việt Nam thăm gia đình. Những lúc như vậy, con gái hoặc con rể bà buộc phải xin nghỉ phép để ở nhà chăm con. Những khi gia đình ở Việt Nam có việc cần ở lại lâu, các con bà thực sự lúng túng vì thiếu người chăm con cho họ đi làm.

Bà Thu, bà Nguyệt hay bà Tâm…, mỗi người một hoàn cảnh nhưng cũng vì thương con thương cháu, các bà vẫn giữ nét truyền thống của phần lớn phụ nữ Việt. Dù ở bất cứ nơi đâu, tuổi nào, họ cũng vẫn hết lòng lo cho con, rồi lại lo cho cháu, xem đó là niềm vui, lẽ sống cuộc đời.

Tin cùng chuyên mục