Chấn chỉnh công tác cấp giấy chủ quyền nhà, đất

Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (GCN) đang được TPHCM đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bên cạnh những khó khăn chung mang tính khách quan xuất phát từ những quy định pháp luật còn bất cập có yếu tố chủ quan từ cán bộ thụ lý. Thời gian tới TP sẽ có những giải pháp gì để xử lý vấn đề này?

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, một số nội dung liên quan.

Phân loại vi phạm để giải quyết

° PHÓNG VIÊN: Ông có thể cho biết tình hình cấp GCN trên địa bàn TP thời gian qua?

° Đồng chí TRẦN VĨNH TUYẾN: Số lượng GCN cần cấp trên địa bàn TPHCM rất lớn, giám đốc Sở TN-MT phải ký theo ủy quyền của UBND TP mỗi tháng trung bình 58.000 GCN. Đó là chưa kể GCN được cấp ở các chi nhánh văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở các quận, huyện. Nếu tính chung, số lượng còn nhiều hơn nữa.

Công tác cấp GCN ở TPHCM đã có nhiều tiến bộ nhưng so với mong muốn của người dân, các cơ quan chức năng cần cố gắng hơn nữa. Số lượng hồ sơ hiện chưa được cấp giấy lần đầu còn 17.303 trường hợp, đây là con số khá lớn.

Nếu vài chục người dân có hồ sơ chưa được cấp giấy bức xúc, cũng đã buộc các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm hơn nữa vì đây là tài sản lớn của người dân.

Có thể người dân hay tổ chức -chủ nhân của các tài sản này cần đưa giá trị tài sản vào hoạt động kinh doanh. Hiện toàn TP có 107 dự án phát triển bất động sản với 103.401 căn hộ phải cấp GCN. Các chủ đầu tư đã nộp hồ sơ 71.000 trường hợp. Cơ quan chức năng của TP đã giải quyết 56.500 hồ sơ, số còn lại đang tiếp tục xem xét giải quyết. 

Chấn chỉnh công tác cấp giấy chủ quyền nhà, đất ảnh 1 Người dân làm giấy tờ nhà đất tại UBND quận 12. Ảnh: CAO THĂNG
Việc cấp GCN tại các dự án nhà ở thường gặp một số vấn đề mà các cơ quan chức năng phải xem xét, đó là chuyển nhượng ba bên, tức dự án chưa hoàn thành nhưng chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng nhưng vẫn bán cho người dân.

Trong những trường hợp này, lãnh đạo TP đã chỉ đạo các quận huyện hướng dẫn bà con kiện chủ đầu tư ra tòa, vì đây là các quan hệ tranh chấp dân sự.

Trường hợp thứ nữa, là chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo, tức đã bán và thu tiền của khách hàng rồi nhưng vẫn thế chấp, cầm cố ở ngân hàng, thì phải chuyển cơ quan điều tra.

Thứ ba là vi phạm các quy định về xây dựng. TP sẽ họp xem xét từng trường hợp nếu vi phạm nhưng không liên quan đến quy hoạch, không ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng công trình, đảm bảo PCCC… thì xem xét cấp GCN cho dân rồi xử lý chủ đầu tư sau.

Chúng ta phải phân loại vi phạm ra để giải quyết chứ không thể gom lại một chỗ. Chúng ta giải quyết một vài trường hợp điển hình để có cơ sở giải quyết những trường hợp tương tự sau này. 

“Phần mềm tấm lòng” là quan trọng nhất

° Mặc dù TP chỉ đạo rất quyết liệt và các cơ quan chuyên môn cũng nỗ lực trong công tác cấp GCN nhưng vẫn còn tình trạng người dân khiếu nại trong vấn đề này thưa ông?

° Trường hợp chậm cấp, không cấp, dẫn đến khiếu nại của người dân có nhiều nguyên nhân. Nhưng tất cả các thủ tục, quy định hay chỉ đạo của UBND TP hầu như đều đã đầy đủ hết. Quy định thì giống nhau nhưng tại sao nơi này làm được, nơi này làm tốt còn nơi khác thì làm không được, trì trệ?

Vấn đề này liên quan đến trách nhiệm lãnh đạo của từng đơn vị, trong đó có văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở 24 quận huyện, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP, UBND 24 quận huyện. Cái này phải xem xét cụ thể chứ bàn cơ chế, thủ tục nhưng vấn đề cụ thể mà không giải quyết thì cũng sẽ là những câu chuyện kéo dài.

Trong khi đó phản ánh, kiến nghị của người dân, hết sức cụ thể. Cán bộ nơi này nơi kia còn nhũng nhiễu, còn thiếu trách nhiệm, sai không dám sửa.

Cán bộ làm công tác cấp giấy toàn TP có 1.200 người, nhưng công chức chiếm chỉ 50% số còn lại hợp đồng lao động. Như vậy trách nhiệm cũng theo hợp đồng.

Có những trường hợp anh em báo cáo lại là sẵn sàng làm sai để trục lợi nếu phát hiện thì chấm dứt hợp đồng mà chưa có trường hợp nào bị khởi tố. Có trường hợp một mảnh đất cấp 2 giấy, nhưng nói xử lý khó quá. Quan điểm của TP là phải giải quyết dứt điểm những tồn tại này, không nể nang. 

Còn việc tiếp dân, nhiều cán bộ cũng rất ngại tiếp xúc với dân. Hiện nay có trường hợp, nhiều vấn đề cơ quan chức năng trả lời rồi nhưng người dân không đồng tình với kết quả trả lời nhưng cũng không biết xử lý như thế nào. Nếu chúng ta rõ ràng minh bạch thì người dân đồng thuận ngay, chúng ta nói số hóa, phần mềm đủ thứ nhưng “phần mềm tấm lòng” là quan trọng nhất. 

° Những giải pháp cụ thể nào để giải quyết tồn đọng trong công tác cấp GCN trong thời gian tới thưa ông?

° Từ nay đến ngày 30-11, tất cả UBND 24 quận huyện phải phối hợp với cơ quan cấp giấy và các sở ngành, báo cáo cho UBND TP về từng trường hợp không cấp giấy, lý do về mặt pháp lý để trên cơ sở đó TP xác định đâu là vướng mắc của pháp luật, đâu là trách nhiệm của cán bộ, đâu là trách nhiệm của người dân, đâu là trách nhiệm của chủ đầu tư. Ví dụ chủ đầu tư xây sai phép làm sao chúng ta cập nhật phần sai phép đó được. 

Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền TP thì cứ đề xuất lên để TP xem xét giải quyết. Nếu các đồng chí đề xuất mà TP không giải quyết tôi xin chịu trách nhiệm. Tất cả 17.303 trường hợp này phải báo cáo hết, nếu báo cáo thiếu, cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm.

Đến 31-12-2018 thì chủ tịch hay phó chủ tịch các quận huyện phải tiếp tất cả 17.303 trường hợp cấp GCN lần đầu nhưng chưa được cấp nếu trước đó chưa tiếp và phải có văn bản trả lời.

Tôi sẽ làm việc với 24 quận huyện để trả lời những trường hợp thuộc thẩm quyền của UBND TP. Phân loại thành từng nhóm vướng mắc để TP giải quyết rồi trên cơ sở đó sẽ giải quyết đại trà.

Tháng 1-2019, UBND TPHCM sẽ kiểm tra một số văn bản mà các quận huyện trả lời cho người dân. Nếu TP phát hiện trả lời sai thì lãnh đạo quận, huyện đó phải chịu trách nhiệm, thậm chí bị cách chức. 

° Xin cám ơn đồng chí! 

Tin cùng chuyên mục