“Chảnh” mới chứng tỏ mình giỏi?

Lâu nay, chuyện về các bác sĩ ở bệnh viện thường ít cười, ít nói với bệnh nhân đã không còn lạ. Người ta bảo, mấy ông bác sĩ đó thường dành hơi để về cười nói với bệnh nhân tại phòng khám tư của mình. Vậy mà bây giờ ngay ở chính phòng khám tư của mình, nhiều bác sĩ cũng giữ vẻ mặt lạnh như tiền, vì tâm lý kỳ quặc: “chảnh” mới chứng tỏ mình là bác sĩ giỏi.

Mẹ tôi là cán bộ về hưu. Tuổi già sức yếu lại nhiều thứ bệnh nên tháng nào mẹ tôi cũng đi khám tại bệnh viện theo diện bảo hiểm y tế. Thôi thì dù bác sĩ có lạnh nhạt, cau có, hay phải chờ cả buổi mới được khám chưa đầy 3 phút, cũng phải ráng chịu. Đấy là mẹ tôi thuộc diện người có công, được nhà nước ưu ái cho nhiều thứ. Còn các bà cụ cùng tổ dân phố đi khám bệnh tại bệnh viện, dù vào khu dịch vụ cũng phải chen lấn để đóng tiền khám bệnh, lấy số rồi chờ “dài cổ” mới tới lượt được khám. Khám bệnh xong, nếu có chỉ định của bác sĩ, lại phải ra xếp hàng đóng tiền chụp phim hay xét nghiệm, rồi lại chờ… Nói tóm lại, đã đi khám bệnh tại bệnh viện công là phải xác định mất cả ngày, cả buổi, nhưng chỉ được gặp bác sĩ trong vòng vài phút với những câu hỏi trỏng, rất kiệm từ, đại loại như: “Đau ở đâu?”, “Bị làm sao?”… Rồi bác sĩ lúi húi viết đơn thuốc, sau đó ngoảnh ra ngoài gọi: “Người tiếp theo!”. Chưa kịp hỏi gì thì bệnh nhân kế tiếp đã bước vào.

Đi khám ở bệnh viện công là thế đấy! Nhiều người vì ngán bệnh viện công quá nên đã tìm đến phòng khám tư mặc dù phải tốn nhiều tiền. Cũng những bác sĩ đó, mà khi khám ở phòng khám tư thì thường họ dễ chịu hơn nhiều, còn tư vấn, chỉ bảo thêm cho bệnh nhân. Nhưng rồi, khi bệnh nhân bắt đầu đông lên, chút dễ chịu ấy cũng dần biến mất. Nhất là đối với những bác sĩ có danh tiếng. Nghe tiếng một ông giáo sư, bác sĩ ở một bệnh viện lớn tại TPHCM rất giỏi về xương khớp, mẹ tôi lọ mọ từ Gò Vấp lên quận 11 để khám. Phải đăng ký lấy số khám bệnh từ cách đó một tuần, nhưng khi tới nơi, mẹ tôi phải chờ suốt từ 6 giờ 30 chiều tới gần 10 giờ đêm vẫn chưa thấy được gọi. Phòng khám bệnh là một căn nhà phố, chỉ dành một phòng nhỏ chưa tới 5m2 phía ngoài để bệnh nhân ngồi chờ với vài chiếc ghế. Phần lớn bệnh nhân phải ngồi tràn cả ra vỉa hè. Không nhà vệ sinh, không nước uống, các bà cụ phải qua bên đường xin đi vệ sinh nhờ. Nhà xa, sợ quá muộn, mẹ tôi đành xin lại tiền khám bệnh (250.000 đồng) rồi lủi thủi đi về.

Lần khác, mẹ tôi cùng mấy bà cụ trong khu phố rủ nhau qua một bệnh viện tư, với mong muốn được một vị giáo sư, tiến sĩ về tim mạch khám. Cũng phải liên hệ đặt chỗ từ trước đó nửa tháng. Đúng là bác sĩ có tiếng nên bệnh nhân rất đông. Tiền công khám gần 500.000 đồng. Gặp bác sĩ, ông lấy ống nghe đặt nhẹ lên lưng và ngực mẹ tôi 3 cái chiếu lệ, rồi đề nghị mẹ tôi làm một loạt gần chục xét nghiệm. Đến khi vị bác sĩ xem các kết quả xét nghiệm, mẹ tôi tranh thủ hỏi về bệnh tật của mình, thì ông chỉ nói cụt lủn: “Để tôi chữa cho bà!”, rồi quay qua đọc tên thuốc cho cô y tá ghi vào đơn. Ra về với một đống thuốc trên tay nhưng mẹ tôi không hề được biết bệnh tình của mình ra sao, cần phải kiêng cữ hay bồi bổ gì thêm không. Mấy bà cụ đi cùng cũng bị đối xử không hơn gì. Bác sĩ hẹn một tháng sau tái khám, nhưng mẹ tôi quyết định không quay lại nữa. Mẹ bảo, mấy ông bác sĩ đó chỉ tiền thôi.

Bản thân tôi cũng nhiều lần đi khám bệnh ở bác sĩ tư, phần lớn là bác sĩ chuyên khoa có tiếng và cũng thấy tình trạng ít cười, ít nói của hầu hết bác sĩ giống nhau. Họ đã phải vất vả ở bệnh viện, về nhà lại lao vào khám chữa tại phòng khám riêng để kiếm tiền. Họ đã kiếm được rất nhiều tiền từ các bệnh nhân đấy, nhưng dường như họ không được hạnh phúc. Thì cứ nhìn họ xem, có bao giờ cười đâu.

NGỌC KHANH (Gò Vấp, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục