Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình:

Chất lượng quan trọng hơn xếp hạng đại học

Bộ GD-ĐT đang mong muốn đẩy mạnh xếp hạng đại học (ĐH) với mục tiêu biết được chúng ta đang ở đâu so với thế giới để phấn đấu thêm. Thông qua xếp hạng, các trường cũng tạo được thương hiệu, uy tín. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, lại có quan điểm coi trọng nâng cao chất lượng ĐH hơn là chạy theo xếp hạng.
° PHÓNG VIÊN: Ông đã cảnh báo không nên chạy theo những tiêu chí xếp hạng, quan trọng hơn cả là phải bảo đảm chất lượng thực đứng sau những tiêu chí đó. Cụ thể là sao, thưa ông?
Chất lượng quan trọng hơn xếp hạng đại học ảnh 1 Ông Phan Thanh Bình
° Ông PHAN THANH BÌNH: Tôi nghĩ, nếu theo chuẩn để xếp hạng thì người ta phải theo chuẩn, rồi sau đó họ lại chạy theo chuẩn mà không chú trọng chất. Vì thế, tôi vẫn cho rằng quan trọng nhất phải là chất lượng.
Mà chất lượng là sự chuẩn hóa mọi việc, sau chuẩn hóa rồi thì sẽ kiểm định. Còn xếp hạng thì “hữu xạ tự nhiên hương”, một khi anh đã có chất lượng rồi thì việc xếp hạng là chuyện đơn giản. Thực tế, các trường lớn họ có cần xếp hạng đâu nhưng các tổ chức xếp hạng vẫn phải xếp hạng họ.
° Vậy theo ông, việc sửa Luật Giáo dục ĐH lần này có nên đưa vấn đề xếp hạng ĐH vào hay không? Xếp hạng nên do Bộ GD-ĐT thực hiện hay do các tổ chức xếp hạng?
° Chúng ta vẫn nên đưa vào luật. Nhưng không nên đặt ra vấn đề xếp hạng thế giới. Trước hết là phải xếp hạng trong nội bộ chúng ta, phải có trường tốp trên, trường tốp dưới. Chúng ta bắt buộc xếp hạng để có chính sách đầu tư ĐH cho đúng.
Giao cho các tổ chức xếp hạng độc lập là hay nhất, nhưng với điều kiện hiện nay thì giao cho các tổ chức độc lập cũng khó. Trên thế giới cũng có 2 quan điểm là giao cho tổ chức độc lập làm, hoặc do Nhà nước làm. Vì vậy, cần phải tính kỹ để lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta.
Chất lượng quan trọng hơn xếp hạng đại học ảnh 2 Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ học thực hành với giảng viên nước ngoài
° Xếp hạng ĐH nên theo cơ chế tự nguyện hay bắt buộc? Và theo ông, có nên sớm thực hiện xếp hạng các ĐH Việt Nam?
° Theo Luật Giáo dục ĐH, xếp hạng sẽ phải là hoạt động bắt buộc. Nhưng bắt buộc không có nghĩa tôi bắt anh phải xếp hạng, mà sẽ bằng chính sách để các trường ĐH xếp hạng. 
Thời gian qua chúng ta có đẩy mạnh giải pháp để nâng cao chất lượng ĐH, rồi thực hiện kiểm định ĐH. Xếp hạng đã quy định trong Luật Giáo dục ĐH nhưng chúng ta chưa làm được, tới đây sẽ phải làm.
Nhưng chúng ta nên làm từ từ, cứ làm chất lượng trước đi, tất yếu sẽ có xếp hạng. Bây giờ nếu chúng ta đặt nặng quá vấn đề xếp hạng ĐH thì rất có thể dẫn đến nguy cơ các trường chạy theo những tiêu chuẩn xếp hạng mà bỏ quên vấn đề chất lượng. Xã hội không cần anh hạng mấy, mà điều cần là thực lực, chất lượng của anh. Vì thế, chúng ta nên tôn trọng quy luật trong phát triển giáo dục ĐH, không nên đẩy vấn đề xếp hạng lên thành nặng nề quá, sẽ vô tình tạo sức ép cho các trường. 
Giáo dục cần bình tĩnh, theo quá trình, tuân theo quy luật. Điều phải lo đầu tiên là chất lượng và kiểm định, còn xếp hạng là điều tất yếu sẽ có sau 2 vấn đề trên. Nói cách khác, có những trường được xếp hạng cao nhưng chưa chắc đã bảo đảm chất lượng. Thành tích nhất thời nhưng chất lượng phải bảo đảm ổn định.
Trước khi xếp hạng, ĐH phải “khỏe” đã. Chất lượng và kiểm định là cực kỳ quan trọng đối với giáo dục ĐH, sau đó là xếp hạng trong nội bộ, sau đó mới tiến ra thế giới. Không nên chạy theo những tiêu chí xếp hạng, mà quan trọng hơn cả là phải bảo đảm chất lượng thực đứng sau những tiêu chí đó.

Tin cùng chuyên mục