(SGGP).- Ngày 3-12, kỳ họp thứ 14 của HĐND TP Hà Nội thực sự “nóng” với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Các nhóm vấn đề được đề cập đến xoay quanh nợ thuế, phí, tiền sử dụng đất; trật tự xây dựng, quản lý nhà chung cư, nhà chuyên dùng, quản lý đất đai, phòng cháy chữa cháy; xây dựng và quản lý công viên, vườn hoa, sân chơi; vấn đề nước sạch nông thôn; môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo nhiều đại biểu, tình trạng nợ thuế, phí trên địa bàn vẫn khá phổ biến, trong đó có một tỷ lệ lớn “doanh nghiệp bỏ trốn”. Cụ thể, trong 10 tháng của năm 2015 có gần 12.600 doanh nghiệp (DN) bỏ địa chỉ kinh doanh (tăng 47% so với cùng kỳ 2014), phần lớn số này đều nợ thuế. Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, ông Hà Minh Hải, cho biết, hiện tổng nợ thuế, phí của các DN trên địa bàn là hơn 6.900 tỷ đồng, giảm so với 2014. Trong đó, trên 50% là của các DN xây dựng cơ bản. Cục Thuế Hà Nội đang kiến nghị trường hợp chủ đầu tư ký trực tiếp với nhà thầu chính thì không được tính là chậm nộp, đồng thời xem xét, xác định phần nợ này để có giải pháp xử lý phù hợp.
Được mời cùng làm rõ vấn đề, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, Công an Hà Nội đã phối hợp với ngành thuế xác minh hơn 300 công ty bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh và truy thu thuế bỏ trốn của các công ty này. Đáng lưu ý, năm 2014, Công an Hà Nội đã phát hiện ra một loạt công ty do Nguyễn Trường (52 tuổi, trú tại Thanh Nhàn, Hà Nội) vi phạm trong hoạt động. Trường đã cùng 2 đối tượng khác đứng ra thành lập 16 công ty với các ngành nghề khác nhau, sau đó vào TPHCM thuê in hóa đơn để bán cho hơn 2.000 cơ quan, đơn vị, DN với giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Khi chuyển tiền, các công ty mua hóa đơn cầm tiền mặt và trả cho Trường 12% số tiền ghi trên hóa đơn. Những hóa đơn vi phạm này sau đó được dùng cho hợp thức hóa các khoản chi tiêu công, hợp thức hóa đơn đầu vào của các hàng hóa và cũng có dấu hiệu liên quan đến tham nhũng. Cơ quan công an đang phân loại các đối tượng mua hóa đơn để có biện pháp xử lý; hiện đã truy thu được hơn 50 tỷ đồng và nhiều diện tích đất từ các đối tượng mua hóa đơn.
Kết thúc phần chất vấn về vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, mặc dù các cơ quan chức năng của TP có nhiều nỗ lực trong thu hồi nợ, nhưng số nợ còn tồn đọng vẫn là trên 21.000 tỷ đồng, chiếm tới 15% (trong khi khuyến nghị chỉ nên ở mức 5%). Tình hình này đòi hỏi UBND TP Hà Nội cần có những giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ hơn, trong đó cần chú trọng và tăng cường thêm các giải pháp như: chỉ đạo các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn cho DN; tập trung hơn vào phân loại nợ, từ đó có những giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể từng cấp, từng ngành nhằm giải quyết tồn đọng nợ, trước hết tập trung vào nợ có khả năng thu (19.000 tỷ đồng), công khai các DN có nợ đọng thuế, phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành, có giải pháp mạnh hơn để giải quyết tình trạng DN gian lận trong sử dụng hóa đơn, trốn khỏi nơi kinh doanh…
ANH THƯ