Chật vật phục hồi

Nền kinh tế Mỹ chưa thoát khỏi vận hạn xấu. Đây là mối lo lắng của nhiều chuyên gia kinh tế Mỹ sau khi Bộ Tài chính nước này công bố bản báo cáo cho thấy GDP trong quý 1-2011 ở mức 1,8%, giảm đáng kể từ mức 3,1% trong quý 4-2010. Con số này thấp hơn nhiều so với dự báo 2,2%. Số người thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 21-5 cũng tăng thêm 10.000 người, lên 424.000 người, trái với dự báo của các nhà kinh tế là số người thất nghiệp sẽ giảm.

Những tin tức không tốt này lại đến trong thời điểm mức thâm hụt ngân sách Mỹ đã vượt mức 14.000 tỷ USD. Hiện nay, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đang tranh cãi về nâng mức nợ trần lên mức 14.300 tỷ USD. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa không đồng ý nâng mức nợ trần nếu không có những biện pháp kiểm soát nợ liên bang, trong khi các nghị sĩ đảng Dân chủ lại phản đối việc cắt giảm chi tiêu mạnh. Thời hạn chót để quyết định đề xuất nâng mức nợ trần là ngày 2-8. Nếu không, Bộ Tài chính Mỹ sẽ không còn quyền tổ chức các cuộc đấu giá trái phiếu hay nói cách khác, không còn được phép vay nợ.

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù đã tăng trưởng 5 quý liên tiếp kể từ khi chính thức chấm dứt suy thoái hồi tháng 6-2009, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, thị trường nhà đất chưa hồi phục và thâm hụt ngân sách gia tăng sẽ tiếp tục là những thách thức lớn đối với kinh tế Mỹ trong năm 2011. Chi vào tiêu dùng chiếm tới 70% hoạt động kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, giá dầu mỏ tăng cao đã trở thành tác nhân tiêu cực khiến người dân phải cắt giảm chi tiêu, bởi lẽ lương thực và năng lượng là hai khoản chi chủ yếu của người tiêu dùng Mỹ.

Kể từ khi bất ổn chính trị - xã hội nổ ra tại Libya vào tháng 2, giá dầu thô đã tăng thêm từ 15 đến 20 USD/thùng và theo ước tính, người tiêu dùng Mỹ đã phải trả thêm 12% chi phí xăng. Giá xăng dầu leo thang làm mất tác dụng gói kích thích kinh tế được đưa ra hồi tháng 12-2010, trong đó có việc cắt giảm thuế, gia hạn trợ cấp thất nghiệp.

Những con số trên cho thấy một thực tế: nền kinh tế Mỹ đang gặp ít nhiều khó khăn trong việc lấy lại động lực, mặc dù vẫn tiếp tục quá trình phục hồi. Nhiều ý kiến lạc quan cho rằng dẫu chính phủ và Hạ viện Mỹ chưa đạt được thỏa thuận về việc nâng cao mức nợ trần, nhưng trước thời hạn chót đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sẽ tìm ra biện pháp nhằm tránh đưa nước Mỹ vào tình trạng mất thanh khoản, dù là tạm thời đối với các khoản nợ. Bởi một khi niềm tin đối với đồng USD sụp đổ, có thể gây rối loạn trên tất cả các thị trường tài chính thế giới.

Nhưng vấn đề ở chỗ ngoài nguy cơ khủng hoảng niềm tin đối với đồng USD, nước Mỹ còn đối mặt với hàng loạt nguy cơ khác, nếu xảy ra sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với cơn “sóng thần tài chính” năm 2008. Nguy cơ để tái diễn một cuộc khủng hoảng tài chính lần thứ 2 vẫn luôn có khả năng xảy ra vì nền kinh tế châu Âu đang gặp nhiều khó khăn vì các cuộc khủng hoảng nợ công chưa có giải pháp triệt để. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục