Châu Á là ưu tiên của Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa phê chuẩn văn bản cập nhật Chiến lược An ninh quốc gia (NSS). Nội dung tài liệu này cho thấy châu Á, chủ yếu là Ấn Độ và Trung Quốc, đã thay thế châu Âu và Mỹ trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Moscow.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (từ trái sang) bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 tại Nhật Bản, năm 2019
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (từ trái sang) bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 tại Nhật Bản, năm 2019

Thành lập GEP

Văn bản nói trên được cập nhật 6 năm/lần. NSS luôn phân tích những mối đe dọa nhắm vào những quyền lợi của nước Nga, đồng thời đề xuất những ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại cũng như đối nội của Moscow. NSS phiên bản 2021 phản ánh rõ nét quan hệ tiếp tục xấu đi giữa Moscow và phương Tây. Nhà nghiên cứu Igor Denisov thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Moscow phân tích rằng, tài liệu nói trên chỉ trích phương Tây cố tình muốn xóa bỏ những giá trị truyền thống của nước Nga, thậm chí là đòi xét lại vai trò và vị trí của nước Nga trong lịch sử thế giới. Trong bối cảnh đó, NSS phiên bản 2021 chủ yếu tập trung vào ưu tiên của Moscow trong quan hệ với châu Á, chính xác hơn là với Ấn Độ và Trung Quốc. Tạp chí The Diplomat thậm chí còn nói đến một tam giác Ấn Độ - Nga - Trung Quốc cần thiết để bảo đảm ổn định và an ninh khu vực.

Theo ông Denisov, có một số điểm chính trong tài liệu về an ninh của Nga cần lưu ý. Thứ nhất, điện Kremlin tỏ ra rất thực tế trong quan hệ với các nước châu Á và Moscow xem Bắc Kinh cũng như New Delhi là 2 “ưu tiên” trong chính sách đối ngoại của Nga. Thứ hai, Nga không chấp nhận chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ vốn được nhiều nước châu Á, đứng đầu là Nhật Bản và Ấn Độ, hoan nghênh. Thay vào đó, Tổng thống Vladimir Putin, từ năm  2015, rồi 2019, đã liên tục quảng bá cho kế hoạch thành lập Quan hệ Đối tác lớn Á - Âu (GEP), bao gồm từ Nga đến các quốc gia Đông Á và các đối tác trong vùng châu Á - Thái Bình Dương, từ châu Âu sang đến Nam và Trung Á.

Ông Denisov nhận định trước mắt, NSS phiên bản 2021 còn khá mơ hồ về những mục tiêu hội nhập kinh tế và hợp tác đa phương của dự án GEP, nhưng tầm mức chiến lược rõ ràng: Moscow nhấn mạnh không một nền kinh tế nào áp đặt luật chơi với phần còn lại của GEP. Theo nhà nghiên cứu người Nga, đây là “mũi tên” mà Moscow nhắm thẳng vào Bắc Kinh tránh để Trung Quốc áp đặt luật chơi với các đối tác trong khối Á - Âu rộng mở.

Dấu hiệu rạn nứt?

Theo chuyên gia Denisov, dự án GEP nhằm làm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, qua đó là câu hỏi về mặt địa chính trị: Bắc Kinh hay Moscow sẽ quy định những luật chơi chung trong khối Á - Âu rộng mở? Ông Denisov nhận thấy đã có sự rạn nứt trong trục Nga - Trung. Trong tài liệu cập nhật NSS, Nga vẫn xem Trung Quốc là một ưu tiên nhưng tài liệu này đã xóa cụm từ “hợp tác Nga - Trung là một yếu tố then chốt nhằm duy trì ổn định trên thế giới và trong khu vực”. Ông Denisov thận trọng cho rằng cần có thêm thời gian để phân tích tác động từ thay đổi nói trên.

Điểm nổi bật thứ ba trong tài liệu về an ninh của Nga liên quan đến những điểm nóng tại châu Á. Ngoài bán đảo Triều Tiên, lần này Moscow chú ý đến tình hình Afghanistan, trong bối cảnh Mỹ đang rút quân khỏi quốc gia Tây Nam Á này. NSS phiên bản 2021 bày tỏ quan ngại về xung đột ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc nhưng không đề cập gì đến tình hình ở Biển Đông. Theo ông Denisov, việc không đề cập đến điểm nóng liên quan đến Mỹ và Trung Quốc cho thấy rõ quan điểm của Moscow là đẩy mạnh quan hệ đối tác với Bắc Kinh nhưng cố gắng đứng ngoài xung đột của Mỹ và Trung Quốc “lâu chừng nào tốt chừng nấy”. Qua đó, ông Denisow kết luận dù châu Á có thể thay thế phương Tây trở thành những mối ưu tiên của Nga, nhưng sẽ là ảo tưởng nếu hy vọng rằng Nga sẽ chọn đứng hẳn về một phe nào.

Tin cùng chuyên mục