Châu Âu rúng động vụ Anh nghe lén Đức

Ngày 7-11, các nhà lãnh đạo của những cơ quan tình báo hàng đầu nước Anh là Sở Chỉ huy thông tin của chính phủ (GCHQ) và MI6 phải xuất hiện trước quốc hội để giải trình những hoạt động tình báo trong thời gian qua. Đây cũng là lần đầu tiên, cơ quan tình báo Anh buộc phải phá vỡ luật im lặng để trả lời những câu hỏi liệu có sự vi phạm luật pháp khi thực hiện những hoạt động trên hay không.
Châu Âu rúng động vụ Anh nghe lén Đức

Ngày 7-11, các nhà lãnh đạo của những cơ quan tình báo hàng đầu nước Anh là Sở Chỉ huy thông tin của chính phủ (GCHQ) và MI6 phải xuất hiện trước quốc hội để giải trình những hoạt động tình báo trong thời gian qua. Đây cũng là lần đầu tiên, cơ quan tình báo Anh buộc phải phá vỡ luật im lặng để trả lời những câu hỏi liệu có sự vi phạm luật pháp khi thực hiện những hoạt động trên hay không.

        Nghe lén để có lợi trong đàm phán

Phiên giải trình dự kiến kéo dài đến hết tuần này. Thủ tướng David Cameron đã bác bỏ cáo buộc cho rằng ông cùng GCHQ và những cơ quan tình báo khác đã đe dọa truyền thông không được cung cấp thêm thông tin từ những tài liệu do chính Snowden cung cấp. Phiên giải trình tại Quốc hội Anh được cho là nhằm thu thập các bằng chứng để làm rõ các cáo buộc chống lại GCHQ và Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA).

GCHQ vốn nắm vai trò chủ đạo giúp các cơ quan đồng cấp ở châu Âu cách thức lách luật vốn hạn chế quyền do thám của các cơ quan tình báo. Tờ Guardian dẫn tài liệu của Snowden cho biết, các cơ quan tình báo Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và Thụy Điển đang hợp tác với GCHQ tiến hành các chương trình do thám trực tuyến và điện thoại quy mô lớn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thông tin đăng tải trên tờ Independent cho biết Anh vẫn duy trì các chiến dịch do thám tại Đức sau khi NSA ngừng các chiến dịch nghe lén của mình tại Berlin khiến các nước châu Âu phải rúng động và nhất là Đức, quốc gia vốn có hợp tác với GCHQ. Những thông tin trên được cho là bài “thuốc thử” đối với mối quan hệ Anh - Đức, khi mà chỉ trước đó ít ngày Berlin liên tục lên tiếng chỉ trích Washington về các hoạt động nghe lén nhằm vào Đức.

Khu vực được cho là lắp đặt trạm nghe lén ở Đại sứ quán Anh tại Đức

Khu vực được cho là lắp đặt trạm nghe lén ở Đại sứ quán Anh tại Đức

Trong một dấu hiệu của sự leo thang căng thẳng, Bộ trưởng ngoại giao Đức Guido Westerwelle đã yêu cầu đại sứ Anh Simon McDonald tới dự một buổi họp để giải thích cho những thông tin trên. Như vậy sau Mỹ, Anh trở thành nước tiếp theo bị Đức chất vấn. Dù Anh và Đức là đồng minh tại NATO và EU nhưng bất kỳ thông tin nào về ý định của các nhà lãnh đạo Đức cũng có thể giúp London có lợi thế trong các cuộc đàm phán quốc tế. Đây được cho là nguyên nhân dẫn đến vụ Anh nghe lén Đức.

        Hệ thống nghe lén “tổ chim”

Các tài liệu Snowden tiết lộ cho thấy: GCHQ cùng với tình báo Mỹ và nhiều nước đối tác chủ chốt khác triển khai một mạng lưới các trạm nghe lén lắp đặt tại các tòa đại sứ trên khắp thế giới nhằm thu thập thông tin ở nước sở tại. Hệ thống nghe lén có tên gọi “tổ chim” được lắp đặt trên nóc đại sứ quán Mỹ ở Berlin đã bị dừng hoạt động hồi tuần trước.

Theo hình ảnh chụp từ vệ tinh và thông tin về hoạt động tình báo nhằm vào Đức cho thấy: Anh vận hành một trạm nghe lén riêng chỉ cách trụ sở Quốc hội Đức (Bundestag) và Văn phòng Thủ tướng Angela Merkel vài trăm mét, có sử dụng các thiết bị công nghệ cao đặt trong đại sứ quán. Tại Đại sứ quán Anh, một khối hình hộp được cho là trạm nghe lén, đặt trong một cấu trúc lều hình trụ, màu trắng, khó phát hiện bằng mắt thường. Cấu trúc này được lắp đặt cùng thời điểm Anh cho xây tòa đại sứ ở Berlin vào năm 2010.

Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Thủ tướng Anh David Cameron giải thích về các hoạt động của GCHQ tại châu Âu, nhưng cơ quan tình báo này từ chối trả lời, nói rằng sẽ không đưa ra bình luận về các hoạt động liên quan đến lợi ích an ninh quốc gia. Trước đó, EU đã bày tỏ sự tức giận trước việc NSA mở rộng hoạt động do thám tại khu vực này và GCHQ có tham gia vào chương trình do thám của NSA. Tại Anh, khi được đề nghị cho biết phản ứng chính thức, người phát ngôn Chính phủ Anh chỉ nói: “Chúng tôi không bình luận về những câu hỏi liên quan đến tình báo”.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục