Chế biến sâu - giải pháp ổn định đầu ra cho nông sản

Để việc giải cứu nông sản không còn tái diễn, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần có những cơ chế chính sách phù hợp nhằm khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư khâu sơ chế và chế biến sâu. Giải pháp này giúp nguồn ra nông sản không những ổn định mà còn đạt được giá trị gia tăng cao. 
Nông sản được hỗ trợ tiêu thụ tại nhiều hệ thống siêu thị trên địa bàn TPHCM
Nông sản được hỗ trợ tiêu thụ tại nhiều hệ thống siêu thị trên địa bàn TPHCM

Hàng loạt nông sản dội chợ

Tại cuộc họp bàn về giải pháp giải cứu thanh long, đại diện UBND tỉnh tỉnh Bình Thuận cho biết, ngay khi đóng cửa giao thương với Trung Quốc do lo ngại tình hình dịch Covid-19, lượng thanh long trên địa bàn tỉnh bị dồn ứ, ước tính có đến cả trăm ngàn tấn. Giá thành thanh long cũng theo đó lao dốc nhanh, ở mức khoảng 9.000 - 11.000 đồng/kg. Thậm chí, để cứu vớt lượng thanh long đã vào vụ thu hoạch, nhiều nhà vườn còn chấp nhận bán với giá 3.000 - 4.000 đồng/kg, thế nhưng lượng thanh long tồn dư trên địa bàn tỉnh vẫn rất lớn, có nguy cơ phải đổ bỏ. 

Cùng chung cảnh dội hàng, rớt giá với thanh long của tỉnh Bình Thuận, tại nhiều tỉnh thành khác, nông sản cũng đang trong tình cảnh lao đao vì thương lái ngưng mua. Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo nhiều tỉnh thành đã chủ động làm việc với hệ thống phân phối nhằm tìm kiếm khả năng tiêu thụ cho hàng nông sản. Tuy nhiên, nhiều hệ thống bán lẻ cho rằng, việc hỗ trợ thu mua và bán nông sản tươi phải phụ thuộc rất nhiều vào sức tiêu thụ của thị trường. Do đó, trong trường hợp hỗ trợ thì cũng gặp nhiều hạn chế. Đại diện nhân viên siêu thị Co.opmart Lý Thường Kiệt (TPHCM) cho biết, để tạo điều kiện tiện lợi tối đa cho người tiêu dùng, nhân viên siêu thị đã tách sầu riêng, mít khỏi vỏ, đóng hộp. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ vẫn chưa đạt mức như kỳ vọng. 

Tăng chế biến sâu

Trước tình hình trên, ngay trong tuần qua, các cơ quan chức năng đã khẩn trương làm việc với Chính phủ Trung Quốc để bàn giải pháp tháo gỡ, qua đó đã thống nhất cho phép thông thương hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới. Ngay khi được thông thương với thị trường Trung Quốc, giá nông sản nói chung và thanh long nói riêng đã vọt tăng trở lại, ghi nhận chiều 18-2 cho thấy duy trì ở mức 25.000 - 40.000 đồng/kg thanh long; các nông sản như sầu riêng, mít, dưa hấu cũng đang có đà tăng trở lại. Tuy nhiên, tình trạng ùn ứ cục bộ tại nhiều địa phương vẫn còn tiếp diễn. 

Nhiều DN cho rằng, việc tiêu thụ nông sản tươi sẽ thiếu ổn định và phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, cần thiết phải gia tăng nông sản chế biến sâu để vừa ổn định đầu ra cho nông dân, vừa gia tăng giá trị nông sản. Thế nhưng, khó khăn hiện nay của DN là khâu sơ chế nông sản tại vùng nguyên liệu trồng trọt chưa được thực hiện. Ông Nguyễn Lâm Viên, Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, cho biết công ty có thể mua vài chục ngàn tấn mít để trữ kho lạnh chế biến với điều kiện nông sản phẩm được hộ nông dân sơ chế, nhưng hầu hết các hộ nông dân chưa thể thực hiện. Mặt khác, để đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như vượt qua rào cản xuất khẩu nông sản tại các thị trường trên thế giới, đòi hỏi kỹ thuật canh tác phải đạt chuẩn. Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn các hộ nông dân chưa chuyển đổi phương thức canh tác theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gây khó cho nguồn nguyên liệu sạch của công ty. Đại diện Công ty Lavifood cho biết, công ty chuyên sấy, ép cấp đông nông sản. Thế nhưng, hiện công suất tối đa chỉ đạt 2 - 3 tấn nông sản/ngày. Do vậy, cùng một lúc phát sinh số lượng lớn nông sản sẽ rất khó để có thể xử lý hết. 

Trước thực tế trên, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho rằng trước hết địa phương cần có điều chỉnh quy hoạch cụ thể vùng nguyên liệu trồng trọt nông sản, kết hợp hỗ trợ nông dân thay đổi cách thức canh tác theo hướng đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Kế đến phải có chính sách thu hút đầu tư, hoặc hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thực hiện khâu sơ chế nông sản sau thu hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất có thể thu mua và tăng công suất sản xuất. Cuối cùng là cơ quan chức năng cần có những dự báo chính xác khả năng tiêu thụ từng loại nông sản trên thị trường. Từ đó, có thông tin hỗ trợ người dân điều chỉnh sản lượng trồng trọt. 

Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có chính sách ưu tiên để tăng cường thu hút DN đầu tư chế biến nông sản. Riêng với những DN đang hoạt động, cần mở rộng quy mô đầu tư, có chính sách hỗ trợ vốn vay hoặc giảm thủ tục hành chính để thuận lợi tiếp cận nguồn vốn vay, tăng nhanh công suất sản xuất. Trên thực tế, việc đầu tư mạnh cho chế biến sâu cũng tạo điều kiện để nông sản Việt tiếp cận đa dạng hơn với thị trường tiêu thụ trên thế giới. Có như vậy mới tránh được tình trạng được mùa mất giá và ngược lại của nông dân, đảm bảo đầu ra nông sản ổn định và có giá trị gia tăng cao.

Nhiều mặt hàng nông sản đã thông thương
Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, tính đến ngày 18-2, nhiều hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã được thông thương. Theo đó, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma, Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn); cửa khẩu Kim Thành 2 (tỉnh Lào Cai)…, nhiều xe hàng nông sản đã được “lăn bánh”. Lượng xe chở nông sản tồn không đáng kể, chủ yếu là mặt hàng thanh long, mít, ớt, nhãn… Ngay khi tín hiệu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc thuận lợi, giá nông sản đã tăng mạnh trở lại. Mặt khác, lượng xe đang lên khu vực cửa khẩu tăng nhanh do thương lái, doanh nghiệp (DN) tăng cường chuyển hàng lên cửa khẩu. 

Theo Bộ Công thương, việc thông thương không dừng lại xuất khẩu hàng hóa nông sản sang Trung Quốc, mà còn cho phép nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất của các DN trong nước. Trước đó, nhiều DN dệt may, da giày, điện, điện tử, máy tính, linh kiện phụ tùng… đã gửi đơn kêu cứu Chính phủ vì nguy cơ gián đoạn sản xuất do hết nguyên liệu. Các DN đã chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế nhập khẩu từ các thị trường Bangladesh, Malaysia, Ấn Độ… Tuy nhiên, việc thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu gặp khó do giá thành cao, hệ thống vận chuyển nhiều bất cập. 

Tin cùng chuyên mục