
Người Nam bộ có một nền văn hóa nghệ thuật phong phú, các loại hình sân khấu truyền thống trong các lễ hội luôn có một vai trò rất quan trọng. Trong hầu hết các loại hình nghệ thuật ấy, những chiếc mão, mặt nạ luôn là đạo cụ không thể thiếu. Thế nhưng giờ đây nghề chế tác mặt nạ truyền thống của người Khmer đang đứng trước nguy cơ bị mai một.
Nghệ thuật của sự kỳ công
Mão, mặt nạ của người Khmer là tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thường được sử dụng trong các loại hình nghệ thuật văn hóa Khmer như: Múa Sa dam, hát Àday, ca kịch Rô băm, Dù kê. Khi biểu diễn các loại hình nghệ thuật này, diễn viên phải đeo mặt nạ và đội mão theo từng vai diễn. Vì thế để chế tác mão, mặt nạ, các nghệ nhân cần có kiến thức và am hiểu về từng vai diễn, từng loại hình nghệ thuật khác nhau, đồng thời phải có năng khiếu về nghệ thuật tạo hình và tính kiên trì để hoàn thành được các công đoạn rất khó trong nghề.
Để có được chiếc mão, mặt nạ truyền thống, trước đây, các nghệ nhân phải mất nhiều công sức, thời gian đi tìm nguyên vật liệu. Keo dán thường được lấy từ trái “thon lop” còn gọi là trái của cây điều. Màu cũng tự chế từ thiên nhiên như màu tím thì tìm cây sa ma krò sây. Màu vàng thì lấy từ nhựa cây prô hút. Màu xanh thì dùng lá cây bồ ngót giã nhuyễn vắt lấy nước. Ngày nay, việc chế tác mặt nạ đã đơn giản hơn khi có thể thay thế bằng một số keo dán và sơn công nghiệp.
Các công đoạn chế tác mão, mặt nạ gồm có tạo khuôn, đắp vải hoặc dán giấy, chạm khắc tạo hình và sơn trang trí hoa văn. Một số công đoạn cũng có nhiều cải tiến như thay vì đắp vải, một số nghệ nhân chuyển sang tận dụng giấy vé số, giấy ít thấm nước độ bền cao hơn. Khuôn bằng xi măng cũng được thay thế cho khuôn đất để khuôn sử dụng được nhiều lần. Kiểu dáng và màu sắc của mão, mặt nạ phải tuân thủ theo một số quy chuẩn như: mão hoàng hậu, công chúa, mão chằn… đều phải tạo hình chóp nhọn trên đỉnh và đính hoa văn vào tiêu biểu như hoa văn hình ngọn lửa biểu trưng cho sức mạnh, hoa văn hoa lá dây biểu trưng cho sáng sủa, thanh cao, bộ mặt nạ Krap, là mặt nạ hình người thể hiện hỉ, nộ, ái, ố gồm 6 cái, màu da người hoặc trắng, mỗi cái có một đặc điểm riêng như miệng méo, miệng rộng, mũi to, mắt hí, không có răng…
Ngoài ra, tùy theo điều kiện tài chính và sở thích của người đặt hàng mà mão được đính thêm hạt cườm nhiều màu, các loại đá quý, ngọc trai, vàng lá, cánh kiến… Thông thường một chiếc mão, mặt nạ nhỏ được làm trong vòng 1 ngày, loại lớn từ 3 đến 4 ngày. Giá mỗi chiếc dao động từ 700.000 đến 2 triệu đồng. Nghệ nhân chủ yếu chỉ làm theo đơn đặt hàng hoặc khi đến các mùa lễ hội lớn.
Nỗ lực truyền lửa cho thế hệ kế thừa
Nghệ thuật chế tác mão, mặt nạ phục vụ cho múa hát dân tộc Khmer mang tính cha truyền con nối. Hiện nay số nghệ nhân am hiểu tường tận và có tay nghề cao về nghề chế tác mão, mặt nạ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Nghệ nhân Lâm Phen là một trong số ít nghệ nhân ở khu vực Tây Nam bộ am hiểu tường tận kỹ thuật và có tay nghề cao về chế tác mão, mặt nạ.

Nghệ nhân Lâm Phen và những chiếc mặt nạ.
Nghệ nhân Lâm Phen, ở ấp Ba Se, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đã có trên 30 năm gắn bó với nghề. Năm 1979, Lâm Phen tình nguyện tham gia bộ đội và phục vụ ở Campuchia. Thời gian trong quân đội, đơn vị ông đóng quân gần những nơi người dân Campuchia làm nghề tạo mẫu các sản phẩm mão, mặt nạ, nhạc cụ nên ông có dịp học nghề chế tác từ những người thợ Campuchia này. Sau 3 năm trong quân ngũ, ông có thêm nghề tạo mẫu các sản phẩm văn hóa dân tộc Khmer.
Xuất ngũ, Lâm Phen trở về nhà kiếm sống bằng nghề xây dựng và chế tác mão, mặt nạ để thỏa mãn niềm đam mê. Ngoài ra ông còn chế tác các loại nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm, là loại nhạc cụ truyền thống của người Khmer thường sử dụng trong các dịp lễ hội. Ông thường xuyên tham gia chế tạo, phục chế mão, mặt nạ cho Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh và được các đoàn nghệ thuật tìm đến đặt hàng từ làm mão, mặt nạ đến các loại nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm.
Nghệ nhân Lâm Phen cho biết, trong nhiều năm ông luôn trăn trở về việc truyền nghề cho các thế hệ trẻ. Do nghệ thuật chế tác mão, mặt nạ phục vụ cho múa hát dân tộc Khmer mang tính cha truyền con nối, ở khu vực Tây Nam bộ hiện nay không còn nhiều nghệ nhân am hiểu tường tận và có tay nghề cao về nghề chế tác mão, mặt nạ. Nghệ nhân Lâm Phen cho rằng, nếu có được một lớp học truyền nghề sẽ thu hút được những người trẻ đến với nghề truyền thống của dân tộc.
Nghệ nhân Lâm Phen còn là đội trưởng đội văn nghệ nhạc dân gian của chùa Lò Gạch ở ấp Ba Se. Đội của ông thường xuyên được Sở VH-TT-DL tỉnh Trà Vinh mời đi biểu diễn giao lưu ở nhiều tỉnh thành, có khi đến tận Hà Nội. Đi đến đâu ông cũng mang hình ảnh những chiếc mặt nạ của quê hương đến quảng bá ở các miền đất lạ. Nhiều tỉnh ở khu vực phía Bắc, Tây Nguyên từng đặt hàng các chiếc mão, mặt nạ từ ông để phục vụ cho hoạt động triển lãm.
Những ai có dịp đến tham quan Khu du lịch Ao Bà Om ở thành phố Trà Vinh vào dịp lễ hội Ok Om Bok sẽ được chứng kiến tài năng của nghệ nhân Lâm Phen. Ông được Sở VH-TT-DL tỉnh Trà Vinh mời chế tạo mão, mặt nạ trình diễn và trưng bày trong các khu triển lãm của lễ hội, cùng với việc phục chế lại những hiện vật, nhạc cụ Khmer để trưng bày.
NGỌC UYỂN