Chế tài mạnh để hạn chế tai nạn giao thông

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, các chỉ số tai nạn giao thông (TNGT) như số vụ, số người chết đã giảm nhưng TNGT vẫn có diễn biến phức tạp, nguy cơ tai nạn vẫn cao, đặc biệt là trong dịp cao điểm vận tải Tết Dương lịch 2024 và Tết Giáp Thìn, lễ hội Xuân 2024 sắp tới.

Còn tái diễn nhiều vi phạm

Thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xảy ra 11.776 vụ TNGT, phần lớn xảy ra trên đường bộ, làm chết 6.381 người, bị thương 8.488 người. Đáng nói là, tuy số người chết giảm 2,22% nhưng số vụ lại tăng 2,99%, số người bị thương tăng 11,19% so với cùng kỳ năm 2022.

Thêm nữa, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 22 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, gây chấn động dư luận. Điển hình là trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 19 người chết, 25 người bị thương, trong đó, riêng vụ tai nạn ở huyện Núi Thành hồi tháng 2 đã làm 10 người chết. Các tỉnh Đồng Nai, Điện Biên, Phú Yên, Khánh Hòa đều có những vụ tai nạn làm chết 4-5 người/vụ…

Theo ghi nhận của Ủy ban ATGT quốc gia, TNGT thường tăng mạnh vào những ngày cao điểm trong các dịp nghỉ lễ, tết. Đơn cử, trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023, vào ngày 3-9, cả nước xảy ra 32 vụ TNGT, làm chết 20 người, bị thương 26 người, tăng khoảng 20% so với ngày thường.

3b-3046-8037.jpg
CSGT TPHCM tuần tra kiểm soát vi phạm trật tự an toàn giao thông. Ảnh: CHÍ THẠCH

Theo Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), thực tế cho thấy, các vụ TNGT xảy ra chủ yếu trên tuyến đường tỉnh, quốc lộ, thời gian là từ 18 giờ đến 6 giờ và vào các ngày cuối tuần. Độ tuổi của các nạn nhân từ 27-55 tuổi. Cục CSGT đã xác định có 6 hành vi của người tham gia giao thông chiếm đến 80% nguyên nhân gây ra TNGT, đó là: người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia; vi phạm tốc độ; đi không đúng làn đường, phần đường, không chú ý quan sát. Kết quả xử lý các vi phạm về trật tự ATGT của lực lượng chức năng cũng cho thấy, vi phạm nồng độ cồn chiếm 22,13%, vi phạm về chạy quá tốc độ quy định chiếm 20,08%, vi phạm làn đường, phần đường chiếm 2,21%.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, đánh giá, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Việc cơ quan CSGT và cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố 3.530 vụ với 3.569 bị can cho thấy, nhiều cá nhân tham gia giao thông đã phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Những bất cập trong công tác quản lý

Bên cạnh ý thức của người tham gia giao thông, những bất cập trong công tác quản lý hoạt động vận tải cũng được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT quốc gia đã thẳng thắn thừa nhận, sau vụ tài xế xe Thành Bưởi gây tai nạn tại Đồng Nai khiến 5 người chết vừa qua đã lộ ra nhiều bất cập liên quan đến thể chế. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải xem xét hoàn thiện thể chế, trước mắt là hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ và phối hợp với Bộ Công an để hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ. Sắp tới, công tác quản lý phải có chế tài mạnh hơn, từ chuyện thu hồi giấy phép, cấm kinh doanh và phải làm rõ bất cập trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải.

Đồng thời, những bất cập về hạ tầng cũng được cho là một nguyên nhân không nhỏ dẫn đến tai nạn. Đầu năm 2023, các cơ quan chức năng đã xác định trên hệ thống quốc lộ còn 43 điểm đen, 74 điểm tiềm ẩn TNGT. Đến thời điểm này, các cơ quan chức năng đã khắc phục được 13 điểm đen, 15 điểm tiềm ẩn TNGT, số còn lại đang tiếp tục được xử lý. Trên các tuyến đường sắt hiện cũng còn tồn tại 5 điểm đen, 1.087 điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Tại các địa phương, những bất cập về hạ tầng cũng được ghi nhận. Theo thông tin từ Ban ATGT TP Hà Nội, trên địa bàn đang có 17 điểm đen giao thông do rào chắn thi công các dự án gây hẹp lòng đường, 10 điểm do hạ tầng chưa đồng bộ hoặc quá tải. Hiện thành phố mới xử lý được 3/37 điểm.

Bộ GTVT vừa chỉ đạo các cơ quan quản lý giao thông chủ động hơn trong kiểm soát việc thực hiện các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự ATGT, ưu tiên kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy khi lái xe; chở hàng hóa quá tải trọng quy định của phương tiện và cầu đường; kiên quyết xử lý trách nhiệm của người giao xe mô tô, ô tô cho trẻ em điều khiển khi chưa đủ tuổi...

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT mới phát sinh; ưu tiên sơn kẻ đường, biển báo, đinh phản quang, tiêu dẫn hướng, đèn chiếu sáng tại các nút giao đông dân cư; đối với các tuyến đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm rà soát tăng cường tường phòng hộ, xây dựng các đường cứu nạn để cứu nguy cho các xe mất phanh.

Đặc biệt, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các sở GTVT địa phương tăng cường khai thác, sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý vận tải, xử lý vi phạm. Bộ Công an, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, trong đó tiếp tục thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn; tập trung xử lý vi phạm theo chuyên đề, nhóm hành vi là nguyên nhân chủ yếu gây ra TNGT. Tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT, quá trình điều tra phải xác định, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để phòng ngừa và xử lý chính xác, khách quan, đúng quy định pháp luật.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia:

Kiểm soát tốt TNGT

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về hợp tác bảo đảm ATGT đường bộ (UNRSC 2023) diễn ra vào trung tuần tháng 12-2023, tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức công bố Báo cáo ATGT đường bộ toàn cầu 2023. Đại diện WHO đã chúc mừng Việt Nam là 1 trong số 45/193 quốc gia thành viên có tỷ lệ nạn nhân tử vong do TNGT đường bộ giảm trên 30% trong giai đoạn 2011-2020.

Theo tính toán của WHO, tỷ lệ số người tử vong trên của Việt Nam đã giảm từ 25,4 người/100.000 dân vào năm 2010 xuống còn 17,7 người/100.000 dân vào năm 2021 (giảm 43,5%). Tôi cho rằng, đây là một thành tựu rất đáng khích lệ, là kết quả của việc cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thực hiện các giải pháp bảo đảm ATGT. Bước vào giai đoạn 2021-2030, Ban Bí thư đã tổng kết Chỉ thị 18 và ban hành Chỉ thị 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác bảo đảm trật tự ATGT trong tình hình mới.

Đây là cơ sở để chúng ta tiếp tục kéo giảm các chỉ số TNGT theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, trong năm 2023 và 2024, Việt Nam sẽ xây dựng và ban hành Luật Trật tự ATGT đường bộ nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện hệ thống quy định về quy tắc giao thông, hành vi tham gia giao thông, an toàn kỹ thuật phương tiện, an toàn trong hoạt động vận tải cũng như công tác chỉ huy, điều khiển hoạt động giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT, giải quyết TNGT tiệm cận với thông lệ quốc tế… Với những nỗ lực này, tôi tin tưởng rằng, TNGT sẽ được kiểm soát tốt.

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM:

Tăng cường giám sát qua camera

Một loạt giải pháp sẽ được Sở GTVT TPHCM tập trung thực hiện trong thời gian tới để kéo giảm, xóa các điểm nóng ùn tắc giao thông, các điểm đen tai nạn giao thông.

Các giải pháp đó là thường xuyên rà soát, nghiên cứu và điều chỉnh phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến đường, hạn chế lưu thông một số loại phương tiện vào các đường có mặt cắt ngang không đảm bảo; tăng cường theo dõi tình hình giao thông qua hệ thống camera giám sát và thông tin kịp thời cho lực lượng chức năng; đồng thời tổng hợp, cung cấp hình ảnh, video các trường hợp vi phạm cho đơn vị chức năng xử lý vi phạm; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông, đặc biệt là khâu tuyên truyền trực quan.

Tin cùng chuyên mục