Sau chiến dịch không kích, Israel đã ồ ạt tung bộ binh vào tiêu diệt lực lượng Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza của người Palestine. Theo các chuyên gia quân sự, chiến dịch tấn công trên bộ này là điều mà nhà nước Do Thái buộc phải tiến hành nếu muốn “xóa sổ” Hamas. Song, hành động leo thang chiến tranh chứa đựng nhiều rủi ro cả về quân sự lẫn chính trị.
Về quân sự, Gaza là một vùng đất rất đông dân, trên một diện tích vỏn vẹn 362 km2 có đến 1,5 triệu người sinh sống, mật độ dân số thuộc loại cao nhất thế giới. Chiến đấu trong những khu vực thành thị đông dân cư như vậy không phải dễ dàng, nhất là khi du kích quân Hamas lại chen lẫn trong thường dân và được người Palestine ủng hộ.
Điều này kéo theo hai hệ quả: một là tổn thất trong quân đội Do Thái có thể lên rất cao, làm cho người dân Israel lo ngại; hai là số thường dân Palestine bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công có nguy cơ tăng vọt, khiến thế giới bất bình.
Đối với giới quan sát quân sự, nguy cơ Israel bị sa lầy ở Gaza hoàn toàn có thể xảy ra vì lẽ nếu mục tiêu tối hậu của chiến dịch tấn công vào Gaza là tiêu diệt tận gốc phong trào Hamas, như Ngoại trưởng Israel Tzipi Livni từng gợi lên, thì việc chiếm đóng quân sự Gaza trong thời gian lâu dài là điều khó tránh khỏi, nhất là khi theo nhận định của chuyên gia quân sự Reuven Petdazur: “Cho đến giờ này, Hamas không hề có dấu hiệu muốn hạ vũ khí”.
Về chính trị, Pháp (đại diện cho EU) cùng nhiều nước khác đã lên án hành động leo thang chiến tranh nguy hiểm của Tel Aviv. Tại Paris, bất chấp trời rét, hơn 20.000 người đã tuần hành vào ngày 3-1 để đòi Israel ngừng chiến dịch quân sự của họ. Hàng ngàn người khác cũng xuống đường tại các thành phố khác ở Pháp như Lyon, Marseille...
Các cuộc biểu tình chống Israel cũng nổ ra khắp nơi, từ Berlin, London, cho đến Madrid, Copenhagen, hay Na Uy, Thụy Điển. Tại các nước Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, đông đảo người dân đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối Israel tấn công trên bộ vào Dải Gaza.
Khi khởi động chiến dịch tấn công vào Gaza, Tel Aviv đã nêu rõ là muốn đánh gục lực lượng Hamas để tổ chức này không dám pháo kích vào Israel, đồng thời phải chấp nhận các điều kiện ngừng bắn do Nhà nước Do Thái quy định.
Diễn biến thực tế cho thấy điều ngược lại, các cuộc dội bom dù rất dữ dội đã không ngăn chặn được các vụ pháo kích của Hamas vào lãnh thổ Israel. Nay Israel đưa bộ binh vào tham chiến, chắc chắn thiệt hại vật chất và thương vong về người sẽ còn ảnh hưởng mạnh hơn tới xã hội và chính trường nước này.
VIỆT ANH