Chiến dịch thành phố sạch

Thông qua các cuộc diễu hành và đề xuất giải pháp đô thị, các nhà hoạt động xe đạp đang mở đường cho một TP Milan, Italy an toàn hơn, ít ô nhiễm hơn và thân thiện với xe đạp.
Cảnh tan trường với phụ huynh và học sinh đi xe đạp ở TP Milan
Cảnh tan trường với phụ huynh và học sinh đi xe đạp ở TP Milan

Thủ đô tài chính Milan của Italy nổi tiếng với văn hóa tốc độ và làm việc, thường bị tắc nghẽn giao thông. Đây là thành phố kẹt xe thứ năm trên thế giới. Tại quán cà phê, tiếng ồn từ xe tốc độ cao trên Ponte della Ghisolfa vang dội. Ilaria Lenzi dựa chiếc xe đạp vào một cây cột gần đó. Cô là nhà hoạt động xe đạp và nhà vận động cho Chiến dịch Thành phố sạch - một liên minh ở châu Âu thúc đẩy di chuyển không phát thải ở các thành phố vào năm 2030. Những thành viên như Lenzi sẽ đi vòng quanh thành phố để phát hiện những chiếc xe đậu lấn chiếm lòng đường, vỉa hè hoặc trên làn đường dành cho xe đạp, khiến những người đi xe đạp buộc phải tránh và lấn sang làn đường dành cho ô tô.

Nghiên cứu về Chiến dịch Thành phố sạch cho thấy, Chính phủ Italy đầu tư vào ô tô nhiều hơn gần 100 lần so với xe đạp. Các thành phố có trung bình 2,8km đường xe đạp/10.000 người. Tại Milan, tỷ lệ này là 2,1km, các thành phố lớn khác của châu Âu như Helsinki, Phần Lan là 19,8km; Strasbourg, Pháp là 7km, hay Brussels, Bỉ là 3,1km. Về tai nạn, các vụ tai nạn xe đạp liên quan đến người đi xe đạp cá nhân ở Milan chiếm 24,1%, trong khi với ô tô là 48,77%. Con số này tăng lên 68% nếu tính cả các vụ va chạm xe máy và xe tải.

Những người đi xe đạp ở Milan lo lắng về tình trạng trước mắt với khí thải tăng chóng mặt, gây biến đổi khí hậu. Họ e ngại cho tương lai con em nên đã tổ chức nhiều cuộc diễu hành. Được tổ chức theo phong trào vận động Sai che puoi, các nhà hoạt động đang kêu gọi thành phố cải thiện quy hoạch đô thị cho một tương lai không có ô tô. Các nhà hoạt động của Sai che puoi đã đưa ra một loạt đề xuất để chính quyền thành phố thực hiện các biện pháp khẩn cấp và cập nhật cho công dân về việc thực hiện chúng. Các giải pháp này bao gồm: một mạng lưới làn đường dành cho xe đạp được kết nối tốt, giám sát liên tục tỷ lệ cơ giới hóa và ô nhiễm; đường phố trường học không có xe hơi; các can thiệp đô thị hỗ trợ di chuyển bền vững và giới hạn tốc độ 30km/giờ.

Năm 2021, TP Brussels thực hiện giảm tốc độ ô tô xuống còn 30km/giờ, chỉ còn lại một số tuyến đường chính giữ tốc độ 50km/giờ. Davide Branca, thành viên của Massamarmocchi - một dự án cấp cơ sở khuyến khích người lớn đưa trẻ em đến trường bằng xe đạp, cho biết: “Gặp tai nạn với ô tô ở tốc độ 50km/giờ như rơi từ tầng 30 xuống, nếu ở tốc độ 30km/giờ thì như rơi từ tầng một. Một ô tô chạy với tốc độ 30km/giờ có thể dừng lại trong chưa đầy nửa giây”. Ngoài ra, giới hạn tốc độ 30km còn đòi hỏi các can thiệp về diện tích đô thị, vỉa hè rộng hơn, cây cối nhiều hơn và những người lái ô tô nhận thức được sự hiện diện của người đi xe đạp. Đây là sự thay đổi văn hóa di chuyển của cả cộng đồng, với ý tưởng hướng tới một cuộc đại tu không gian thành phố. Đối với các nhà hoạt động, một thành phố không xe hơi cũng là một sự thay đổi thói quen đi lại mà mục tiêu là một thành phố an toàn và bền vững hơn.

Tin cùng chuyên mục