Chiến lược an ninh quốc gia mới

Theo kế hoạch, ngày 18-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thông báo một chiến lược an ninh quốc gia mới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters dẫn lời cố vấn An ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster cho biết, chiến lược an ninh mới sẽ tập trung vào 4 nguyên tắc chính: bảo vệ nước Mỹ, tăng cường thịnh vượng và an ninh kinh tế của Mỹ, gìn giữ hòa bình bằng sức mạnh và đẩy mạnh ảnh hưởng của Mỹ.

Để chuẩn bị cho chiến lược an ninh quốc gia mới, ngày 12-12, Tổng thống Donald Trump đã ký dự luật quốc phòng có tên gọi Đạo luật Cấp phép Quốc phòng (NDAA) mà ông cho rằng sẽ giúp Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự và hiện đại hóa các lực lượng. \

Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Với việc ký dự luật quốc phòng này, chúng ta đẩy nhanh tiến trình khôi phục hoàn toàn sức mạnh quân sự của Mỹ”.

Theo kế hoạch phân bổ, NDAA sẽ chi 626 tỷ USD cho nhu cầu ngân sách quân sự cơ bản, 66 tỷ USD cho các chiến dịch đột xuất ở nước ngoài và thêm 8 tỷ USD cho các hoạt động quốc phòng khác. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng chi tiêu quân sự của Chính phủ Liên bang Mỹ trên thực tế trong năm 2018 sẽ là hơn 1.000 tỷ USD chứ không phải là mức 700 tỷ USD như NDAA vừa được ký ban hành, vì phần lớn chi phí quốc phòng được thực hiện bên ngoài Bộ Quốc phòng.

Theo ông Greg Mello, Giám đốc điều hành Los Alamos Study Group - một tổ chức vận động giải trừ hạt nhân, Mỹ hiện có ngân sách quân sự lớn nhất trên thế giới và cao gấp khoảng 10 lần so với số tiền Chính phủ Liên bang Nga chi cho quân đội của họ. Với chi tiêu ở mức này sẽ làm hạn chế các khoản đầu tư quan trọng khác của Mỹ trong lĩnh vực giáo dục, đổi mới cơ sở hạ tầng và đối phó với các tình huống khẩn cấp do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.

Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong chiến lược an ninh quốc gia mới, Cố vấn an ninh Mỹ đề cập đến Nga như một mối đe dọa đối với Washington với “cái gọi là chiến tranh thế hệ mới”, ám chỉ việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 như một cuộc lật đổ chính trị nội bộ. Ông McMaster cũng đồng thời lên án sự xâm chiếm về mặt kinh tế của Trung Quốc bằng từ “hung hăng về kinh tế”. 

Vì Mỹ đã bỏ trống không gian cạnh tranh trong những năm gần đây, tạo cơ hội cho các nước khác như Nga và Trung Quốc chiếm giữ, cho nên các mối đe dọa toàn cầu đối với Mỹ và lợi ích của Mỹ không những chỉ có Nga, Trung Quốc, mà còn Iran, Triều Tiên và các tổ chức khủng bố quốc tế khác. Chiến lược này phản ánh mong muốn của Tổng thống Donald Trump là thúc đẩy sự tham gia của các nước khác trong khuôn khổ hợp tác từ cả hai phía và các đồng minh truyền thống của Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược mới này. Cố vấn McMaster cũng nêu rõ, Mỹ thúc đẩy “can dự một cách cạnh tranh”, tăng cường vị thế trên trường quốc tế để đánh dấu sự quay trở lại của một nước Mỹ tự tin và quyết đoán hơn.

Trước những diễn biến trên, có nhận định rằng nhiều khả năng trong những ngày tới, Nga, Trung Quốc và một số nước được xác định là mối đe dọa của Mỹ sẽ có những phản ứng quyết liệt. Hồi đầu năm, tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) cũng từng kêu gọi Bắc Kinh cần tăng chi tiêu quân sự thêm ít nhất 10% trong năm nay để đối phó với những chính sách của Tổng thống Donald Trump.

Tin cùng chuyên mục