Chiến lược đầu tư khôn ngoan của BioNTech

Công ty Công nghệ sinh học BioNTech của Đức công bố quyết định chọn Singapore là nơi thành lập cơ sở sản xuất mới với công suất vài trăm triệu liều vaccine Covid-19/năm.

Kế hoạch mở văn phòng đại diện và xây dựng cơ sở sản xuất vaccine sẽ được triển khai ngay trong năm nay, với mục tiêu có thể đi vào hoạt động vào năm 2023. Theo BioNTech, đây sẽ là cơ sở sản xuất đầu tiên bên ngoài nước Đức và là văn phòng đại diện đầu tiên hoạt động bên ngoài châu Âu, châu Mỹ.

Cơ sở sản xuất vaccine của BioNTech tại Marburg, Đức

Kế hoạch lập trung tâm vaccine ở châu Á - Thái Bình Dương được nhìn nhận là một chiến lược đầu tư khôn ngoan của BioNTech khi ở thời điểm hiện tại, chính phủ các nước đều đang đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất vaccine Covid-19 nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa. Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm dài đã làm chậm chương trình tiêm chủng của các nước. Văn phòng đại diện và nhà máy sản xuất dược phẩm của BioNTech tại Singapore được kỳ vọng sẽ góp phần cung cấp nguồn vaccine Covid-19 tại chỗ cho các quốc gia Đông Nam Á. Ngoài ra, động thái này còn thúc đẩy năng lực sản xuất của BioNTech đối với vaccine và thuốc điều trị cho các bệnh truyền nhiễm có khả năng trở thành đại dịch ở Đông Nam Á. 

Việc chọn Singapore là địa điểm sản xuất mới tại châu Á - Thái Bình Dương cũng cho thấy BioNTech đánh giá cao tiềm năng phát triển công nghệ sinh học của đảo quốc này. Hiện Singapore đang nỗ lực phát triển lĩnh vực y sinh và dược phẩm bằng cách thu hút các công ty lớn đến đầu tư bằng nhiều chính sách thông thoáng. Theo ông Ryan Richardson, Giám đốc chiến lược của BioNTech, Singapore là trung tâm đổi mới toàn cầu và sở hữu những nhân tài mà công ty muốn hợp tác. Bên cạnh đó, Singapore có môi trường kinh doanh hoàn hảo tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự án lần này tại Singapore trị giá hàng trăm triệu USD, và BioNTech xem đây là một khoản đầu tư dài hạn vào công nghệ sinh học ở Singapore. Bà Selena Ling, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và chiến lược tài chính tại Ngân hàng OCBC, nhận định, một phần sức hấp dẫn của Singapore là các tập đoàn quốc tế có thể tin tưởng rằng sẽ không có chủ nghĩa dân tộc vaccine hay chủ nghĩa bảo hộ. Điều này do Singapore rất minh bạch trong cách thức hoạt động và tuân thủ các quy tắc quốc tế.

Hơn nữa, từ lâu, Singapore đã trở thành một trung tâm đào tạo của khu vực. Các trường đại học và trường đào tạo nghề đã đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề cao cho không chỉ Singapore mà cả các nước trong khu vực. Từ năm 2002, đảo quốc này bắt tay vào đổi mới y sinh học một cách nghiêm túc với việc thành lập Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (A * STAR). Bên cạnh việc mở rộng phòng thí nghiệm, A * STAR đã cử hơn 1.000 người ra nước ngoài để chuẩn bị cho một lực lượng có các kỹ năng về nghiên cứu trong lĩnh vực y sinh học. 

Ngoài ra, Singapore còn tổ chức sinh học phi lợi nhuận có tên Phòng thí nghiệm khoa học sự sống Temasek (TLL). TLL được thành lập năm 2002 tại Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) với sự hỗ trợ của Temasek Trust, thuộc bộ phận tài trợ phi lợi nhuận của Temasek Holdings. TLL có hơn 200 nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia cùng tham gia nghiên cứu các lĩnh vực như sinh học tế bào, thần kinh học để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn và dài hạn của ngành khoa học đời sống. Với chiến lược dài hạn này, Singapore đã tạo ra một hệ sinh thái nghiên cứu về y sinh học phát triển mạnh trong thời gian gần đây.

Tin cùng chuyên mục