Chính phủ chỉ đạo xây dựng ga đường sắt Đà Nẵng theo hình thức đối tác công tư

Ngày 5-12, Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND – UBND TP Đà Nẵng cho biết, dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và ý kiến của Bộ GTVT thống nhất nguồn vốn thực hiện theo hình thức đối tác công tư.

Nội dung trên được trình bày trong báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2019 và Kế hoạch đầu tư công năm 2020 do ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký trình HĐND thành phố vào Kỳ họp thứ 12 tới.

Chính phủ chỉ đạo xây dựng ga đường sắt Đà Nẵng theo hình thức đối tác công tư ảnh 1 Tổng mức đầu tư cho dự án di dời ga đường sắt dự tính khoảng 12.636 tỷ đồng. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Theo Báo cáo, dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị được Trung ương, Bộ Chính trị chỉ đạo triển khai thực hiện theo Nghị quyết 43 và trước đó là Nghị quyết 33. Tuy nhiên, sau nhiều năm, dự án không được triển khai do khó khăn nguồn vốn gây bức xúc trong dư luận và phát sinh các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường, trật tự đô thị.

Mới đây, dự án đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo và ý kiến của Bộ GTVT thống nhất nguồn vốn thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Hiện nay, UBND TP Đà Nẵng đã đề xuất, báo cáo, xin ý kiến Thành ủy thống nhất chủ trương triển khai dự án theo hình thức BT và thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư sau khi hoàn thành dự án theo quy định để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng thành phố đề xuất thực hiện dự án.

Đồng thời, UBND TP giao Sở GTVT phối hợp cùng Sở KH&ĐT làm việc với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan thống nhất cụ thể phương án đầu tư, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chủ trương thực hiện.

Được biết, dự án di dời ga đường sắt sẽ gồm 2 tiểu dự án. Tiểu dự án 1 là di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị, đầu tư theo hình thức BT gồm 3 hợp phần.

Tại hợp phần 1 sẽ di dời nhà ga, tuyến đường sắt hiện có ra khỏi trung tâm thành phố về phía tây gồm: xây tuyến đường sắt dài khoảng 29km, xây các công trình phụ trợ, xây dựng nhà ga hành khách và ga hàng hóa với kinh phí khoảng 5.350 tỷ đồng.

Hợp phần 2 sẽ thực hiện theo hướng tích hợp, tăng cường các tiện ích đô thị cho khu vực trung tâm thành phố tại khu vực nhà ga hiện trạng sau khi di dời ga cũ ra khỏi trung tâm với kinh phí khoảng 830 tỷ đồng.

UBND TP Đà Nẵng cho rằng, tuyến đường sắt hiện tại chạy qua thành phố có chiều dài khoảng 40,3km. Dọc tuyến đường này là các khu dân cư thu nhập thấp, điều kiện cơ sở hạ tầng, vệ sinh không đảm bảo nên sau khi di dời cần tận dụng phát triển thành các trục giao thông chính.

Cùng với đó UBND TP Đà Nẵng xây dựng trục giao thông chính gồm 6 làn xe, tái phát triển đô thị 2 bên hành lang, xây dựng các khu tái định cư phục vụ như cầu tái định cư cho toàn bộ dự án… với tổng kinh phí dự kiến hợp phần ba là 2.350 tỷ đồng.

Tổng thể tiểu dự án 1 nói trên thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT với quỹ đất hoàn trả dự kiến tại khu vực nhà ga cũ, khu vực nhà ga mới, hành lang tuyến đường sắt cũ và khai thác quỹ đất khác của thành phố theo quy định tại Nghị định 69/NĐ-CP ngày 15-8-2019. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện các dự án trên các khu đất hoàn trả đó theo đúng quy hoạch của thành phố. Kinh phí tiểu án 1 là 10.236 tỷ đồng.

Tại tiểu dự án 2 – đền bù giải tỏa phục vụ dự án và tái phát triển đô thị sẽ sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố với kinh phí tạm tính khoảng 2.400 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư tạm tính của dự án di dời ga đường sắt là 12.636 tỷ đồng (đã bao gồm phí dự phòng 20%).

Tin cùng chuyên mục