Văn phòng điện tử, tác nghiệp chuyên ngành và “một cửa” điện tử là ba mảng chính mà TPHCM tập trung thực hiện trong đề án Chính phủ điện tử giai đoạn 2010 - 2015. Song song đó, Chính phủ điện tử tại TPHCM còn hướng đến dịch vụ y tế điện tử và phát triển hệ thống giao thông thông minh…
TPHCM đang dẫn đầu
Thực hiện Chương trình Cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị giai đoạn 2011 - 2015, TPHCM đã triển khai hệ thống Văn phòng điện tử gồm 6 phần mềm thuộc nhóm môi trường, làm việc điện tử đến 100% đơn vị quận, huyện và 72% sở, ban, ngành. Hệ thống tác nghiệp chuyên ngành được triển khai đến 24/24 quận, huyện và 52/66 sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc thành phố; hệ thống Một cửa điện tử và Cổng thông tin TPHCM có 78 trang thành viên.
Phát triển hệ thống giao thông thông minh, đặc biệt với giao thông công cộng là hướng đến trong giai đoạn tiếp theo của Chính phủ điện tử. Ảnh: T. Ba
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền Thông TPHCM, đến nay TPHCM và Đà Nẵng là hai địa phương đi đầu cả nước trong triển khai Đề án Chính phủ điện tử. Tại TPHCM, 24/24 quận, huyện đã được triển khai 6 phần mềm thuộc nhóm môi trường làm việc điện tử, hệ thống liên thông văn bản điện tử của TPHCM cũng đã triển khai cho 177 đơn vị với hơn 500.000 văn bản. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách như giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, phát triển y tế, giáo dục… Riêng với dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư, sau gần 5 năm triển khai, thành phố đã có hơn 12.000 hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại nhà. Con số này chiếm khoảng 50% - 60% số hồ sơ đăng ký trong những năm gần đây.
Đối với hoạt động đầu tư, TPHCM cũng triển khai đăng ký dịch vụ đầu tư trực tuyến tại nhà, toàn bộ quy trình giải quyết hồ sơ đăng ký cũng được công khai qua email giúp nhà đầu tư có thể nắm được tình trạng hồ sơ đăng ký của mình, đồng thời tiết kiệm được thời gian. Đặc biệt, cuối tháng 6 vừa qua, TPHCM đã khai trương trang thông tin điện tử TPHCM trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ với các tên miền: tphcm.chinhphu.vn; tphcm.vn; hochiminhcity.vn đã cung cấp những thông tin kịp thời cũng như quảng bá hình ảnh, vai trò và vị trí của TPHCM.
Triển khai mạnh ở giao thông và y tế
Chính phủ điện tử còn hướng đến dịch vụ y tế điện tử và phát triển hệ thống giao thông thông minh. Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, thành phố hiện có trên 7 triệu phương tiện ô tô, xe máy đăng ký lưu hành. Dù trên địa bàn TPHCM hiện có 841 chốt đèn tín hiệu giao thông, hơn 300 camera giao thông, nhưng hệ thống này còn rời rạc, chưa được kết nối đồng bộ. Để vận hành khai thác hiệu quả hệ thống giao thông thành phố, giảm thời gian ùn tắc giao thông, cần phải phát triển hệ thống quản lý giao thông thông minh. TPHCM đã chủ trương xây dựng Trung tâm điều hành giao thông đô thị và hoạt động sau năm 2020.
Trong lĩnh vực y tế, TPHCM có 54/89 bệnh viện đạt ứng dụng công nghệ thông tin. Song trong đó, bệnh viện có hệ thống công nghệ thông tin tương đối hoàn chỉnh, có ứng dụng phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chuyên môn, có sử dụng hệ thống công nghệ thông tin vào việc giám sát, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh… chưa nhiều. Chính vì thế, trong giai đoạn 2015 - 2020, TPHCM phấn đấu dành tối thiểu 1% nguồn kinh phí của các bệnh viện để chi cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; đồng thời xã hội hóa đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong các bệnh viện. Các bệnh viện cho rằng, trong quá trình áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin mới phải lấy người bệnh làm trung tâm. Theo đó, tập trung mạnh vào các giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm phiền hà cho người bệnh, cải tiến chất lượng phục vụ, tăng chất lượng điều trị và đảm bảo an toàn cho người bệnh…
Tại hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử mới đây, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thành viên Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin, nhận định: Trong những năm qua, TPHCM là địa phương đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp, giúp đổi mới hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, minh bạch hóa thông tin hoạt động của các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước. Chính vì thế, ông cũng mong muốn TPHCM tiếp tục là địa phương đi đầu trong triển khai mô hình chính quyền điện tử, tiếp tục là địa phương có nhiều sáng kiến và cách làm hay trong xây dựng chính quyền điện tử… để phục vụ người dân tốt hơn nữa.
Bà Võ Thị Trung Trinh cho biết giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện Chính phủ điện tử của thành phố. Cụ thể hơn, thành phố sẽ đưa vào sử dụng ứng dụng xu hướng S.M.A.C (viết tắt của Social, Mobile, Analytics và Cloud). “Cùng với sự phát triển của các thiết bị điện tử cầm tay và lưu trữ đám mây, xu hướng S.M.A.C kỳ vọng sẽ tăng năng suất và khả năng di động cho cán bộ công chức nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp”, bà Trinh chia sẻ thêm. |
TƯỜNG HÂN - TẤN BA