Theo thông báo của Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS), bắt đầu từ ngày 3-4 tới, cơ quan này sẽ ngừng việc xét duyệt nhanh thị thực cho lao động nước ngoài (H-1B) và thay vào đó, tiến trình này có thể kéo dài tới 6 tháng.
Trục xuất cứng rắn
Theo quy định cũ, người nộp đơn xin cấp nhanh thị thực có thể đủ điều kiện được chấp thuận trong vòng 15 ngày. Tuy nhiên, kể từ ngày 3-4, những người nước ngoài muốn tìm việc làm tạm thời tại các công ty công nghệ cao của Mỹ sẽ phải trải qua tiến trình xét duyệt thị thực lâu hơn sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố tạm ngừng xem xét đơn xin cấp thị thực khẩn theo diện H-1B.
Làm thủ tục nhập cảnh Mỹ tại sân bay
H-1B là loại thị thực không định cư, cho phép chủ doanh nghiệp Mỹ tuyển dụng và thuê những chuyên gia người nước ngoài trong các ngành nghề chuyên môn, bao gồm công nghệ thông tin, y học, kỹ thuật và toán học, làm việc tại Mỹ trong một khoảng thời gian nhất định. Để thỏa mãn yêu cầu thị thực H-1B, chủ doanh nghiệp và người lao động tiềm năng phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể. Chủ doanh nghiệp phải tuân theo những yêu cầu trong quy trình xin thị thực H-1B, cũng như những quy định của USCIS và Bộ Lao động Mỹ. Mỗi năm, Mỹ giới hạn cấp 65.000 thị thực H-1B, cộng với khoảng 20.000 thị thực cho những đối tượng đã có bằng thạc sĩ trở lên ở Mỹ. Thị thực này có thời hạn 3 năm, nhưng có thể được gia hạn thêm 3 năm.
Theo USCIS, trong giai đoạn ngừng xét duyệt thị thực trên, các cá nhân vẫn có thể để nghị xem xét cấp thị thực khẩn, nhưng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định, ví dụ như vì lý do nhân đạo, tình huống khẩn cấp hoặc nguy cơ thiệt hại tài chính nghiêm trọng đối với một công ty hoặc một cá nhân.
Dồn lực để phát triển đất nước
Ngoài việc giành việc làm về cho người Mỹ, Nhà trắng còn dự định cắt giảm các chương trình viện trợ nước ngoài để tập trung cho các chương trình phát triển trong nước. Theo Giám đốc Văn phòng Quản lý và ngân sách Nhà Trắng (OMB) Mick Mulvaney, trong bản dự thảo ngân sách công bố ngày 16-3 tới, chính quyền Tổng thống Donald Trump còn dự định đề xuất những cắt giảm khá mạnh viện trợ nước ngoài của Mỹ và sử dụng phần cắt giảm đó cho các chương trình phát triển trong nước.
Theo truyền thông Mỹ, chính quyền của Tổng thống Trump dự định đề nghị Quốc hội cắt giảm khoảng 30% ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID). Mỗi năm, Mỹ chi tiêu hơn 50 tỷ USD cho Bộ Ngoại giao và USAID, chỉ chiếm khoảng 1% tổng ngân sách liên bang, trong khi Lầu Năm Góc ngốn tới 600 tỷ USD, thậm chí nhiều hơn. Kế hoạch cắt giảm ngân sách cho Bộ Ngoại giao khiến nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã bày tỏ quan ngại rằng việc này sẽ tổn hại tới nỗ lực chống khủng bố và đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, ông Mick Mulvaney giải thích, việc cắt giảm viện trợ nước ngoài theo như đề xuất của ông Trump sẽ giúp chính quyền có nguồn kinh phí để tăng ngân sách quốc phòng thêm 54 tỷ USD.
Nhà Trắng giải thích các sách lược, từ việc kiên quyết với vấn đề nhập cư bất hợp pháp đến việc đòi tăng ngân sách cho quốc phòng, cũng chỉ nhằm bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, đối với lệnh cấm cấp thị thực cho những người đến từ 7 nước chủ yếu theo đạo Hồi, Tổng thống Trump dự kiến sẽ ký sắc lệnh di trú mới, trong đó điểm đáng chú ý là xóa tên Iraq khỏi danh sách chịu các biện pháp hạn chế nhập cư vào Mỹ vì nước này đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nó cũng bao gồm một số thay đổi, ví dụ không cấm vĩnh viễn đối với người Syria vào Mỹ, thay vào đó chỉ tạm ngưng tiếp nhận người dân nước này vào Mỹ trong 120 ngày đối với trường hợp xin thị thực mới.
|
HẠNH CHI (tổng hợp)