Chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Nhị Xuân - Ngày vui chẳng tày gang

“Chết đứng”!
Chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Nhị Xuân - Ngày vui chẳng tày gang

Các doanh nghiệp (DN) thuộc ngành dệt may trong Cụm công nghiệp và Khu dân cư đô thị mới (CCN) Nhị Xuân đang rơi vào cảnh “leo cau đến buồng” giờ lại “hỏng ăn”!

Người sau nghiện làm công nhân may tại Cụm công nghiệp Nhị Xuân trong thời kỳ “vàng son” - những năm đầu sau khi thành lập.

Người sau nghiện làm công nhân may tại Cụm công nghiệp Nhị Xuân trong thời kỳ “vàng son” - những năm đầu sau khi thành lập.

“Chết đứng”!

Trái ngược với sự kỳ vọng, hứng khởi vào năm 2005, thời điểm TPHCM đi đầu trong việc giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện với nhiều chính sách ưu đãi cho các DN tham gia đầu tư vào CCN Nhị Xuân theo Đề án quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, giờ đây “sức khỏe” các DN đang xuống dốc trầm trọng. Các DN tại đây hoạt động cầm chừng và đứng trước nguy cơ phá sản do kiệt quệ về tài chính.

Sở dĩ “ngày vui” không kéo dài vì từ năm 2009 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma túy có hiệu lực, hầu hết người sau cai nghiện được cho về quản lý tại địa phương (chỉ khoảng 15% người sau cai có nguy cơ tái nghiện cao được tiếp tục quản lý tại các trung tâm cai nghiện) dẫn đến việc thiếu lao động.

Cũng từ thời điểm này, Hiệp định thương mại giữa VN và tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có hiệu lực, chính sách ưu đãi lãi vay của TP dành cho DN may mặc ở CCN Nhị Xuân, được xem là vi phạm cam kết với WTO. Để tránh vi phạm cam kết với WTO, từ tháng 8-2009, TP không hỗ trợ lãi vay cho DN may mặc. Đồng thời, TP khuyến cáo các DN nên lập dự án đầu tư mới, chuyển đổi ngành nghề, không hoạt động trong ngành may mặc nữa thì sẽ xem xét và tiếp tục hỗ trợ lãi suất.

Thực tế, rất hiếm DN may mặc chuyển đổi ngành nghề. Theo bà Trương Thị Tường Vân, Giám đốc Công ty cổ phần May mặc Tường Vân, công ty không thể bỏ tất cả quan hệ sản xuất đã tích tụ hàng chục năm để chuyển sang một lĩnh vực mới mẻ khác làm lại từ đầu. Còn “ôm” nghề may mặc, thay vì được hỗ trợ lãi suất trong 10 năm như chủ trương ban đầu, DN chỉ được hưởng ưu đãi lãi vay trong khoảng 2 năm (2007-2009) – điều các DN không lường được khi lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch tài chính vay ngân hàng.

Từ năm 2009, các DN phải xoay xở bằng cách huy động tài sản từ các thành viên trong gia đình, bạn bè để cầm cố, thế chấp mới có tiền trả lãi cho ngân hàng. Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty May - TM - DV Minh Châu lo ngại, hiện nay công ty đã cạn kiệt tài chính, các tài sản thế chấp đang có nguy cơ bị phát mãi. Cùng với việc thiếu lao động, việc phải “nai lưng trả nợ ngân hàng” trong khi vừa kết thúc đầu tư, mới bước vào giai đoạn sản xuất, thu hồi vốn khiến các DN lao dốc không phanh.

Thêm nước cho cây bị hạn?

Các DN chia sẻ, năm 2005, DN biết rằng việc nhận người sau cai, người tái hòa nhập cộng đồng vào làm việc là phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do nguồn lao động này yếu về cả sức khỏe, trình độ lẫn kỷ luật lao động, dẫn đến chi phí đào tạo lao động cao và năng suất thấp. Trong khi đó, CCN Nhị Xuân lại xa xôi, không nằm gần các trục đường lớn, cộng với tâm lý kỳ thị người sau cai nên việc tuyển lao động từ nơi khác đến làm việc cũng khó khăn, chi phí trả lương thường cao hơn so với các khu vực khác mới có thể “hút” được lao động.

Dù khó khăn nhưng với lời kêu gọi và các chính sách ưu tiên của TP, các DN đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy quy mô lớn tại CCN Nhị Xuân, với mong muốn bên cạnh việc phát triển sản xuất kinh doanh sẽ giúp ích thêm cho xã hội thông qua việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai. “Không ngờ, bây giờ DN “mắc cạn” ở CCN Nhị Xuân do chính sách thay đổi. Công ty Minh Châu, Công ty Phú Châu không sản xuất hàng xuất khẩu nên rất mong được TP xem xét, tiếp tục hỗ trợ để cứu DN” - bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty Minh Châu và bà Đỗ Thị Kim Sơn, Giám đốc Công ty Phú Châu càng phân trần.

Có ý kiến cho rằng, các DN may mặc không xuất khẩu ở CCN Nhị Xuân là đơn vị sản xuất thuộc chương trình an sinh xã hội, tạo việc làm cho người sau cai nghiện; việc hỗ trợ cho DN may mặc bán trong nước, đối tượng thụ hưởng cuối cùng của chương trình hỗ trợ là các lao động là người sau cai nghiện. Do đó, TP có thể vận dụng một cách linh hoạt để hỗ trợ các DN mà không vi phạm quy chế cạnh tranh của WTO.

Nói về trường hợp Công ty Minh Châu, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng từng “mong TP quan tâm chỉ đạo biện pháp phù hợp để giúp đỡ DN cố gắng đứng vững, giống như thêm gánh nước cho cây bị hạn. Đặc biệt nên chú ý giải quyết vấn đề người sau cai nghiện và nhân công, khi họ có việc làm và thu nhập chính đáng sẽ bớt bao khó khăn, giữ ổn định trật tự trị an cho xã hội”.

Trước bờ vực phá sản, để tự cứu mình, các DN như Công ty Tường Vân, Công ty TNHH Phú Châu tìm cách cho thuê, sang nhượng nhà xưởng hoặc rời bỏ CCN Nhị Xuân, tuy nhiên cũng chưa thành. CCN Nhị Xuân vốn kỳ vọng sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 người sau cai, tái hòa nhập cộng đồng, giờ đây chỉ còn khoảng vài chục người tái hòa nhập cộng đồng làm việc.

Đường Loan

Tin cùng chuyên mục