Đọc báo nước ngoài

Chính trường Nhật Bản lại nổi sóng

Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda đang gặp khó khăn do các mâu thuẫn với đảng Dân chủ đối lập (DPJ) tại Thượng viện. Mới đây, Thượng viện Nhật Bản đã hai lần bác bỏ sự đề cử chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ Thủ tướng Fukuda khiến cho chức vụ này đến nay vẫn còn bỏ trống. Ngày 23-3, mâu thuẫn càng gay gắt hơn khi Thượng viện bác bỏ dự luật thuế xăng dầu mới dự kiến áp dụng từ ngày 1-4.

Cuộc khủng hoảng ở vị trí thống đốc ngân hàng diễn ra trong lúc nền kinh tế Nhật Bản không khỏe mạnh, cần có các chính sách quan trọng từ Ngân hàng Trung ương để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tín dụng đang lan tràn ở nhiều nước trên thế giới.

Nhiều người dân Nhật Bản và cả các thành viên đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) tỏ ra bực mình vì cả hai lần đề cử chức vụ thống đốc, Thủ tướng Fukuda đều giới thiệu người của Bộ Tài chính. DPJ cho rằng người của Bộ Tài chính sẽ không công tâm trong công việc và có thể có nhiều quan hệ cũ với các tập đoàn tài chính.

Hiện Phó Thống đốc Masaaki Shirakawa đang giữ chức quyền thống đốc nhưng cũng chỉ mang tính tạm thời. Theo Reuters, trong dự luật thuế xăng dầu, trong khi Chính phủ Nhật Bản muốn tiếp tục thu mức thuế tương tự như hiện nay để giảm thâm hụt ngân sách và tạo vốn cho việc xây dựng cầu đường, Thượng viện lại muốn ngừng thu thuế này sau khi dự luật hiện thời hết hạn vào ngày 31-3.

Thượng viện cho rằng số tiền này đã bị chi tiêu hoang phí. Dự luật thuế xăng dầu nằm trong hàng loạt dự luật liên quan đến ngân sách dành cho năm tài chính mới bắt đầu ngày 1-4. Để thông qua dự luật thuế này, Chính phủ Nhật Bản có thể đưa ra Hạ viện (hiện do LDP chiếm đa số) thông qua 2 lần mà không cần có sự thông qua của Thượng viện. Tuy nhiên, theo Hiến pháp Nhật Bản, một dự luật nếu Hạ viện thông qua 2 lần phải cách nhau ít nhất 60 ngày.

Dự kiến, Hạ viện thông qua dự luật thuế xăng dầu vào ngày 29-3, như vậy sẽ 2 tháng sau dự luật này mới có thể được thông qua, trong khi các dự án đang cần tiền để triển khai. Hồi năm ngoái, dự luật duy trì quân Nhật Bản ở Ấn Độ Dương cũng được thông qua bằng cách 2 lần phê chuẩn của Hạ viện.

Điều gì cũng có giá của nó, nếu Chính phủ Nhật Bản tiếp tục sử dụng quyền của Hạ viện mà không cần thông qua Thượng viện thì Thượng viện có thể sẽ phải thông qua đề nghị phê bình thủ tướng. Điều này cho dù không có tính ràng buộc pháp lý nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín Thủ tướng Fukuda khi mà tỷ lệ ủng hộ ông đang xuống mức 30%.

Theo các nhà phân tích, nếu khó khăn giữa Chính phủ của Thủ tướng Fukuda với Thượng viện kéo dài thì uy tín của ông Fukuda trong LDP cũng sẽ giảm và có thể LDP sẽ phải bầu chọn chủ tịch mới-tức thủ tướng mới hoặc cũng có thể dẫn tới cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn.

Vũ Minh

Tin cùng chuyên mục