Chối bỏ quá khứ

Ý thức hệ của Ukraine đang đe dọa quyền tự do ngôn luận - đó là nhận định của ông Henry Stanek, chuyên gia tư vấn độc lập về quan hệ Liên minh châu Âu, trong một bài viết đăng tải mới đây trên trang tin Epoch Times.

Ý thức hệ của Ukraine đang đe dọa quyền tự do ngôn luận - đó là nhận định của ông Henry Stanek, chuyên gia tư vấn độc lập về quan hệ Liên minh châu Âu, trong một bài viết đăng tải mới đây trên trang tin Epoch Times.

Theo ông Henry, trong khi những đồng minh phương Tây cung cấp khoản vay 25 tỷ USD để Ukraine vực dậy nền kinh tế thì Kiev lại khiến họ lo lắng về những điều luật gây chia rẽ đất nước và đưa Ukraine trở thành quốc gia đi theo xu hướng cực đoan, thiếu dân chủ.

Một trong những luật gây tranh cãi nhiều nhất được ban hành hồi tháng 5 vừa qua là luật cấm và hình sự hóa việc sử dụng cũng như tuyên truyền cờ, biểu tượng, hình ảnh, bài hát, đặt tên đường hoặc tên thành phố có liên quan đến Xô Viết. Kế hoạch rũ bỏ quá khứ với Xô Viết bao gồm cả việc loại bỏ hàng trăm bức tượng, hàng ngàn biển tên phố cùng với hàng tấn giấy tờ liên quan đến “thay tên đổi họ”. Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk còn đưa ra những tuyên bố xuyên tạc lịch sử Thế chiến thứ 2 và yêu cầu xét lại công lao của Hồng quân Liên Xô. Chính quyền Kiev còn thúc đẩy xây dựng dự án “Bức tường” (Stena) trên biên giới với Nga. Những hành động trên của Kiev nhằm cho thấy nỗ lực của nhà cầm quyền muốn đưa đất nước phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa của phương Tây, thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Liên Xô cũ trong quá khứ và của Nga hiện tại.

Nhiều chuyên gia chính trị Ukraine nhận định lệnh cấm các biểu tượng Xô Viết sẽ làm trầm trọng thêm khác biệt chính trị vốn đã sâu sắc trong lòng Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga lên án đạo luật trên vì đó là một sự chối bỏ với quá khứ hào hùng của Liên Xô mà Ukraine từng là một thành viên. Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Josh Cohen, cho rằng điều nguy hiểm hơn cả là trong luật mới mà Tổng thống Poroshenko ban hành đã công nhận Tổ chức Những người dân tộc Ukraine (OUN) và Quân đội nổi dậy Ukraine (UPA) - là những chiến sĩ đấu tranh cho độc lập của Ukraine trong thế kỷ XX, đồng thời cấm những chỉ trích nhằm vào họ. Nguy hiểm ở chỗ, đây cũng chính là những tổ chức  đã giúp phát xít Đức vận hành lò thiêu người và tham gia sát hại hàng trăm ngàn người Ba Lan trong Thế chiến thứ 2. Đã có những ý kiến của người dân phản đối các điều luật trên nhưng Chính phủ Kiev vẫn phớt lờ.

Việc khơi dậy lòng yêu nước là sứ mệnh sống còn đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, việc phủ nhận lịch sử để đẩy ý thức hệ theo chiều hướng cực đoan là bước đi đầy nguy hiểm. Hiện nay, việc thanh trừng các biểu tượng quá khứ không phải là thứ mà người dân Ukraine cần. Cái họ cần bây giờ là việc làm, ổn định cuộc sống, kinh tế phát triển, hòa bình ở Đông Ukraine. Các chuyên gia ước tính kế hoạch thay tên đổi họ hàng loạt sẽ rất tốn tiền và thời gian. Về thời gian, có thể mất đến cả chục năm mới làm xong. Cựu Bộ trưởng Tài chính Ukraine Alexander Klymenko ước tính kế hoạch sẽ tốn khoảng 214 triệu USD trong khi thâm hụt ngân sách của Ukraine hiện là 9 tỷ USD. Còn công trình xây dựng “Bức tường” trên biên giới với Nga sẽ khiến Ukraine tốn phí gần 200 triệu USD. Không ít ý kiến cho rằng khoản tiền đó nên được đầu tư vào việc khác có ý nghĩa hơn và Ukraine nên hướng tới tương lai thay vì gắng sức rũ bỏ quá khứ

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục