Đoàn sinh viên (SV) từ Trường ĐH Pittsburgh (Hoa Kỳ) vừa sang tận Việt Nam (VN) để học môn học tự chọn, gồm 3 tín chỉ tại Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM. Nhiều người hồ nghi về hiệu quả của chuyến vượt đại dương này bởi lịch học chủ yếu là đi. Thời khóa biểu xoay quanh những hoạt động tham quan khu di tích lịch sử, xí nghiệp, nhà máy đến cách nấu ăn, dã ngoại… Thế nhưng, theo đánh giá của Trường ĐH Pittsburgh, cách học này rất hiệu quả cho nên đây là năm thứ 2 liên tiếp họ đưa SV sang VN.
Thời gian của khóa học tại VN chỉ kéo dài 2 tuần. Tại đây, SV chỉ ngồi lớp nghe giảng về sự đa dạng của tiếng Việt, về văn hóa và cách ứng xử dành cho người nước ngoài khi ở VN. Lịch học chỉ đơn giản có thế. Nhưng, để hiểu thế nào là văn hóa VN, SV được học với tài liệu sống bằng hình ảnh ở viện bảo tàng, rồi học cách chế biến thức ăn dân dã đậm văn hóa Việt. Người học tiếp cận chuyên đề Quy hoạch và phát triển đô thị ở TPHCM bằng những chuyến tham quan thực tế. Họ về tận Bến Tre, chui vào nhà máy sản xuất ca cao để tìm hiểu về quy hoạch và phát triển nông thôn khu vực ĐBSCL…
SV đi học giống đi du lịch! Theo đánh giá của một số chuyên gia, cách học điền dã được áp dụng khá phổ biến ở các nước phát triển. Nó giúp SV được thực hành nhiều hơn, tránh những xơ cứng về lý thuyết và hụt hẫng khi áp dụng vào thực tế. SV được chủ động tiếp cận tìm hiểu về kinh tế, văn hóa, lịch sử của đất nước sở tại và thực hiện dự án nghiên cứu có liên quan quốc gia đến học.
Một SV khoa Kinh doanh của Pittsburgh phấn khởi: “Đến tận nơi để được nghe, nhìn thực tế những vấn đề mà bạn đang nghiên cứu thì không tài liệu nào giúp được điều đó. Lịch học có vẻ đơn giản, nhưng không hề nhẹ nhàng. Chúng tôi phải tận dụng thời gian và khi về nước phải hoàn thành báo cáo cho môn học”.
Kiểu học “thượng lưu” như thế là ước mơ xa vời với SV trong nước. Do kinh phí đào tạo còn thấp, SV vẫn phải chịu học “chay”, thiếu thực hành trong khi thời lượng lên lớp của SV VN không hề nhỏ.
Khảo sát cơ hội việc làm với SV tốt nghiệp của các trường ĐH cho thấy, phần đông SV không có việc làm hoặc bỏ nghề đã học do thiếu khả năng thực hành, kỹ năng mềm thích ứng với công việc. Doanh nghiệp vẫn thường phải đào tạo lại SV…
Một chuyến học thực tế không quyết định được chất lượng đào tạo, nhưng SV không thể chỉ quanh quẩn với mớ lý thuyết xám xịt mà có thể thu được cả “sàng khôn”. Chưa mơ đến những chuyến đi xa xỉ, nhưng SV trong nước vẫn cần lắm cách học mới, được tương tác giữa lý thuyết và thực tế.
MỸ HẰNG