Chọn thầy

Chọn thầy

1. Hổm rày, mọi người bàn tán sôi nổi đến chuyện chọn huấn luyện viên trưởng cho đội tuyển Việt Nam. Hiện nay Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng đang loay hoay với mớ danh sách của mình, dù đã “gút” lại còn 5 vị.

Trước đây một quan chức của VFF từng tuyên bố miễn sao chọn được HLV giỏi cho đội tuyển, còn tiền bạc không thành vấn đề. Nhưng đến nay thì thực tế cho thấy tiền bạc đang là một vấn đề, và “mức lương phù hợp” trở thành một trong những tiêu chí quan trọng trong việc thuê thầy. Câu nói của ông bà “cái khó bó cái khôn” rất có thể vận vào chuyện thuê thầy ngoại lần này (cũng như những lần trước với Letard, Dido, cả với Tavares và Riedl ở “nhiệm kỳ” cuối cùng).

“Tiền nào của nấy” không phải câu nói cho sướng miệng mà được đúc kết từ thực tiễn cuộc sống, trong đó có thực tiễn thể thao. Thực ra, giải bài toán tiền lương không phải là quá khó. Ở Việt Nam không phải là không có những tỉ phú yêu thích thể thao như Thavatchai của Thái Lan, nhưng vấn đề là tài năng của vị HLV đó có xứng đáng để mọi người chung tay góp sức hay không, và đặc biệt là thái độ của các quan chức VFF đối với những “mạnh thường quân” chân tình và trân trọng đến mức nào, trong khi ứng xử vẫn là điểm yếu lâu nay của VFF.

Chọn thầy ảnh 1

Bora Milutinovic - tuyển Việt Nam đang cần một ông thầy như thế này!

2. “Am hiểu bóng đá châu Á nói chung và bóng đá Đông Nam Á nói riêng” cũng là một tiêu chí quan trọng của VFF. Nhiều người nói đùa: Nếu căn cứ theo các tiêu chí do VFF đề ra thì chọn lại ông Riedl là phù hợp nhất. Đây là kiểu nói đùa nghiêm túc.

Vì lịch sử cho thấy hàng loạt HLV phù hợp với các tiêu chí này đều từng bị VFF sa thải: Weigang, Calisto, Riedl... Thế thì tại sao cho đến năm 2008 VFF vẫn xem”am hiểu bóng đá châu lục và khu vực” như một điều kiện tiên quyết? Thực tế thì một HLV tài năng không cần “am hiểu bóng đá châu lục và khu vực” vẫn có thể xây dựng được một đội tuyển mạnh.

Bóng đá chứ đâu phải ca trù hay hát bội mà phải mất nhiều thời gian để hiểu biết và thích nghi đến vậy. Bóng đá cũng như toán học, đều có một ngôn ngữ chung cho mọi quốc gia, mọi dân tộc. Thảy một ông thầy giỏi vào một lớp chuyên toán, ông chỉ cần ra vài bài tập là biết học trò mình trình độ cỡ nào, mạnh điểm gì yếu điểm gì, muốn khắc phục phải cần tới phương pháp gì. Ông chả cần “am hiểu trình độ của các lớp bên cạnh hay của toàn trường”. Khi thi thố, so sánh kết quả ông sẽ biết trình độ các lớp khác ra sao, muốn học trò mình vượt qua các lớp bạn ông cần phải cho học trò rèn giũa những gì.

3. Ngoài ra, một ông thầy giỏi đích thực cũng thừa sức tạo nên “bản sắc” cho đội tuyển. Ông ta thừa sức nhận ra cầu thủ Việt Nam thể hình như thế, thể lực như thế, kỹ thuật như thế, muốn phát triển chỉ có thể chơi theo cách như thế. Khi cầu thủ chơi theo cách phù hợp nhất với tố chất của mình thì đó chính là bản sắc. Còn những ông thầy bất tài là những ông cứ bắt cầu thủ Việt Nam phải chơi như Đức, như Anh, như Argentina - tức là chơi theo cái khuôn định sẵn trong đầu của ông, bất chấp thực tế con người có phù hợp hay không.

Tóm lại, điều chúng ta cần là một ông thầy có mắt xanh trước khi có trái tim đỏ, như một tiêu chí rất kỳ cục của VFF cách đây 5 năm”coi công việc làm huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam là một vinh dự lớn đối với bản thân”. Ông thầy có mắt xanh đó, chúng ta biết tìm ở đâu, nếu cứ bắt ông ta nhất định phải “am hiểu bóng đá châu Á hay Đông Nam Á” - một điều hoàn toàn không cần thiết. Nếu ông thầy ngoại đó cần phải am hiểu điều gì để có thể làm tốt công việc của HLV đội tuyển Việt Nam thì có lẽ đó là “am hiểu cung cách làm việc thiếu khoa học của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và môi trường bóng đá hư hư thực thực của Việt Nam”!

4. Vậy ông thầy đó đang ở đâu? Ông ta có đang nằm trong đống hồ sơ ở văn phòng VFF hay không? Không ai biết. Ngay cả VFF và Hội đồng HLV quốc gia, bộ phận có trách nhiệm tham mưu cho VFF, cũng không biết nốt. Thế mời ông Mourinho hay ông Ferguson được không, nếu chúng ta có đủ tiền? Thực ra nếu hai ông đó nắm đội tuyển Việt Nam cũng chẳng xoay chuyển được gì. Siêu HLV cấp câu lạc bộ chưa chắc đã thành công khi nắm đội tuyển quốc gia. Ở Chelsea trước đây và ở MU hiện nay, phát hiện vị trí nào yếu kém, Mourinho và Ferguson mua ngay “cao thủ” trám vào - nguồn cung cấp nhân sự là vô tận nếu túi tiền của các ông chủ CLB cũng vô tận.

HLV đội tuyển bị hạn chế ngặt nghèo hơn nhiều: với chừng đó con người trong tay, anh làm sao thì làm! Cho nên, cách hợp lý nhất là chọn một HLV từng làm đội tuyển quốc gia - mà mẫu HLV như Bora Milutinovic là thích hợp nhất. Vị HLV người Nam Tư này là chuyên gia biến những đội tuyển yếu thành đội tuyển trung bình, biến những đội tuyển trung bình thành đội tuyển mạnh. Cái cách ông đưa cả 5 đội tuyển quốc gia trình độ trung bình như Mỹ, Trung Quốc, Costa Rica... vào vòng chung kết World Cup ở 5 kỳ liên tiếp là cái cách mà đội tuyển Việt Nam đang cần.

Đó là dạng huấn luyện viên rờ vào thứ gì là thứ đó thành vàng, mặc dù chắc chắn ông không  am hiểu lắm nền bóng đá của các khu vực mà ông chuẩn bị đặt chân tới. Nhưng khổ là hiện nay những người có trách nhiệm tuyển chọn HLV trưởng cho đội tuyển quốc gia không biết ông HLV có phương pháp huấn luyện như Milutinovic là ông nào trong những bộ hồ sơ mình có trong tay, cũng không biết có ông đó trong hồ sơ không nữa. Giả dụ là có nhưng rủi ổng thuộc diện “không am hiểu bóng đá châu Á và Đông Nam Á” thì làm sao bây chừ! Có khi buộc phải loại ổng ra để chọn lại ông Riedl cho đúng với tiêu chí đã lỡ đề ra. Ai chứ VFF dám làm như thế lắm!

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục