Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổ chức Môi trường quốc tế, việc liên tục phải tiếp xúc với khói ô nhiễm trong bếp ăn là nguyên nhân tử vong của 4,3 triệu người trên khắp thế giới hàng năm và đặc biệt trong đó có 30% là người Ấn Độ.
Ngoài ra khói bếp có carbon đen là một trong những tác nhân hàng đầu dẫn đến ô nhiễm môi trường. Các nghiên cứu khoa học trước đây cũng khẳng định carbon đen được sinh ra trong quá trình đốt cháy gỗ và khí thải động cơ diesel là tác nhân gây ra hiện tượng Trái đất nóng lên gấp 2 lần so với những gì con người từng suy đoán trước đó. Nó nhanh chóng trở thành yếu tố thứ 2 trong thang khí thải gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Theo lý giải của các nhà khoa học, carbon đen làm nóng bầu không khí bằng cách hấp thụ nhiệt từ Mặt trời và phân tán nó vào không khí, khiến nhiệt độ trung bình tăng cao. Nó cũng thúc đẩy sự hình thành các đám mây, tạo thêm sức nóng bằng cách giảm cường độ phản xạ của băng và tuyết ở các cực.
Do vậy, trong những qua, Chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng các loại bếp sạch như bếp khí hóa sinh, bếp điện và coi đây là một phần trong hành động quốc gia chống biến đổi khí hậu, đã đệ trình điều này tới Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 21 vừa qua tại Paris, Pháp.
Theo Time of India, dù nhiều chuyên gia đánh giá việc chuyển đổi bếp nấu ăn không thể tạo ra đột phá đáng kể với môi trường, nhưng Ấn Độ khẳng định đó là bước đi chiến lược để cứu mạng sống và đảm bảo cân bằng năng lượng cho người nghèo. Để thể hiện quyết tâm, Bộ Năng lượng Ấn Độ khẳng định cơ quan này ưu tiên hỗ trợ những người, những khu vực chưa tiếp cận được với nguồn năng lượng và các thiết bị xanh sạch với kế hoạch cung cấp bếp gas đến khoảng 2 triệu người Ấn Độ tại các vùng nông thôn Bắc Ấn.
Tuy nhiên, kế hoạch về bếp sạch này cũng gặp những trở ngại khi người dân phải thay đổi các thói quen, tập tục vốn có từ lâu đời, chẳng hạn như loại bánh mì phổ biến nhất ở miền Bắc Ấn Độ là roti và naan nếu chế biến bằng bếp dầu hoặc bếp gas sẽ mất đi hương vị khói đặc trưng, hơn nữa họ còn phải chi trả từ 30USD tới 60USD cho chiếc bếp lò trong khi có thể nhóm lửa bằng củi trong rừng miễn phí. Neha Juneja, giám đốc một công ty đồ gia dụng thân thiện với môi trường, chia sẻ: “Một gia đình hiện đại điển hình tại Ấn Độ sẽ có tivi, vài chiếc điện thoại di động... nhưng căn bếp của họ thì vẫn giữ nguyên như 50 năm trước”.
Ngoài ra, lợi ích về chống biến đổi khí hậu khi thay bếp cũng chưa phải là giải pháp tốt nhất, bởi chính bếp gas cũng sản sinh ra methane, một khí gây ra hiệu ứng nhà kính, còn bếp điện cũng là nguyên nhân gián tiếp vì tại Ấn Độ phần lớn điện được sản xuất từ than.
Hiện, một vài nước như Trung Quốc, Ethiopia cũng đang đẩy mạnh chương trình bếp sạch. Ở Nigeria, nơi việc phá rừng đã trở thành vấn nạn thì chính phủ cho biết sẽ cung cấp 750.000 bếp lò để tránh việc người dân khai thác gỗ quá đà.
VIỆT ANH