Chống nghiêng khách sạn, sập 5 căn nhà

Chống nghiêng khách sạn, sập 5 căn nhà
Chống nghiêng khách sạn, sập 5 căn nhà ảnh 1

Hiện trường các căn nhà bị sập.

(SGGP).- Lúc 6 giờ 45 sáng 9-1, khách sạn Cường Thịnh gồm một tầng trệt, 3 tầng lầu tại số 46/46 đường Nguyễn Cửu Vân (số cũ 106/9I-105/1E Điện Biên Phủ), phường 17 quận Bình Thạnh, TP.HCM đã bất ngờ sập gây chấn động lớn, bụi cuốn lên mù trời làm kinh hoàng nhiều người dân trong khu phố.

Bức tường khách sạn này đã đập qua căn nhà số 46/48 Nguyễn Cửu Vân (số cũ 106/9G Điện Biên Phủ) làm 2 tầng trên cùng của căn nhà 1 trệt, 3 lầu đứt rời đổ nhào qua làm sập tiếp 2 căn nhà kế cận. Căn nhà số 106/9E nằm sát bên khách sạn Cường Thịnh cũng bị sập toàn bộ.

Chính quyền địa phương đã kịp thời phối hợp với lực lượng PCCC quận Bình Thạnh, đội cứu hộ trung tâm, Trung tâm y tế quận tổ chức cắt sắt, phá dỡ bê tông cứu được 6 người bị mắc kẹt trong các căn nhà bị sập nêu trên. 5 trong số 6 người được cứu chỉ bị xây xát, một người bị thương nặng là chị Huỳnh Dương Ngọc Phượng  (sinh năm 1984, ở nhà số 106/9E) được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhân dân Gia Định. Theo UBND phường 17, có 5 căn nhà bị thiệt hại từ 70%-100%, 2 căn nhà bị thiệt hại 20%.

Chống nghiêng khách sạn, sập 5 căn nhà ảnh 2
Cơ quan điều tra kiểm tra hiện trường vụ sập nhà.

Được biết, chủ khách sạn Cường Thịnh là ông Chu Văn Cường (sinh năm 1952), đã thuê ông Đặng Thành Huy (sinh năm 1974) Giám đốc công ty tư vấn thiết kế và giám sát xây dựng ACT ở địa chỉ 303/3 Nguyễn Thiện Thuật phường 1, quận 3 trang trí nội thất lại khách sạn. Tuy nhiên khách sạn này sau 10 năm xây dựng đã bị nghiêng về hướng Tây (nhà số 106/9E Điện Biên Phủ). Tầng thượng của khách sạn lệch theo phương thẳng đứng so với tầng trệt 40cm.

Ngày 22-12-2006, ông Huy ký hợp đồng với ông Cường thầu chống nghiêng khách sạn này với giá 125 triệu đồng. Theo lời khai của ông Huy với cơ quan điều tra, khách sạn này ông Nguyễn Cẩm Luỹ đòi 350 triệu để chống nghiêng nhưng ông Huy tính toán chỉ nhận 125 triệu đồng theo phương án cắt cổ móng công trình khách sạn (phía không nghiêng) để đưa khách sạn về vị trí cân bằng.

Tuy nhiên khi thi công, đà kiềng căn nhà xây liền sát móng băng, không có cổ móng nên không thực hiện được. Ông Huy chuyển sang phương án dùng 60 tấn cát bỏ vào bao chất đều trên 3 tầng lầu (bên không bị lún của căn nhà). Căn nhà chỉ nhích được 6 cm. Ông Huy cho công nhân đào khoét chân móng để căn nhà xuống nhanh hơn. Tuy nhiên do không lường được địa tầng, đất sình nhão bên dưới móng đã làm sập căn nhà. Cảnh sát điều tra đang tạm giữ ông Huy để điều tra làm rõ vụ việc.

Ông Hoàng Đôn Dũng, Giám đốc Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn:
Đơn vị thi công vi phạm nhiều quy định về xây dựng

Theo Luật xây dựng, việc sửa chữa ảnh hưởng đến kết cấu nhà (như chỉnh nghiêng nhà) phải được cơ quan chức năng cho phép. Tuy nhiên, khách sạn Cường Thịnh chỉ có đơn xin sửa chữa chống dột và trang trí nội thất khách sạn mà tiến hành sửa chữa chống nghiêng là không đúng quy định. Đơn vị thi công là Công ty tư vấn thiết kế và giám sát xây dựng ACT thì lại không có chức năng thi công xây dựng.

Hiện nay, đơn vị thi công chưa xuất trình được bản vẽ thiết kế chỉnh căn nhà nghiêng, không có biện pháp an toàn cho các công trình kế cận,... Công ty kiểm định xây dựng Sài Gòn đang khảo sát xem phương pháp gia cố móng, trình tự thi công có đúng quy định không. Chủ đầu tư công trình (ông Cường) và đơn vị thi công sẽ liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả gây ra. 

Thần đèn núi Sập Võ Xên:
Dùng tải trọng cưỡng bách chống nghiêng không được chấp nhận vì nguy hiểm

Ông Võ Xên-một chuyên gia trong việc chống nghiêng nhiều căn nhà cao tầng tại TPHCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ông được mệnh danh là “thần đèn” ở Núi Sập, An Giang), cho biết:

Phương pháp dùng tải trọng cưỡng bách để đưa căn nhà trở về vị trí cân bằng bằng cách gia cường bên thấp và dùng khối lượng (cát, bê tông) gia cường bên cao do tiến sĩ Hoàng Văn Tân đề nghị xử lý nghiêng công trình khách sạn Đông Kinh ở Long Xuyên, An Giang năm 1985.

Phương pháp này rất nguy hiểm nên đã bị bác bỏ. Bởi vì khi nhà nghiêng, nội lực căn nhà không ở vị trí cân bằng ổn định. Khung nhà xuất hiện độ uốn rất lớn do độ nghiêng tạo ra. (Ví dụ như bẻ khúc cây, mặc dù cây không gãy nhưng trong khúc cây xuất hiện nội lực rất lớn. Khi chúng ta bẻ ngược lại cùng một lực khúc cây lập tức sẽ bị gãy). Hơn nữa, công trình có thể ở thời điểm sắp sập nên chỉ cần thêm 1 tải trọng nhỏ cũng có thể gây sập đổ căn nhà-gọi là giọt nước tràn ly. Nên phương pháp này từ lâu đã không được chấp nhận để xử lý nhà lún nghiêng. Hiện nay, phương pháp xử lý nhà lún nghiêng an toàn, chi phí thấp là dùng móng trung tải.

Phương án này có giải pháp là đưa cả trọng lượng ngôi nhà về móng trung tải. Lúc đó móng cũ của căn nhà không còn truyền tải trọng của ngôi nhà nên cho phép ta chặt cổ móng theo kích thướt chênh lệch độ nghiêng một cách an toàn. Cuối cùng ta đưa móng trung tải về vị trí cân bằng và hàn cổ móng cũ lại. (Ví dụ phải dùng tim giả để đảm bảo tuần hoàn máu khi tiến hành phẩu thuật tim. Khi phẩu thuật xong thì dẫn máu chuyển về tim thật. Tương tự, móng trung tải trong việc chỉnh nghiêng nhà đóng vai trò như tim giả trong phẫu thuật tim). Phương pháp này rất an toàn vì không có một kg bất lợi nào đặt trên ngôi nhà. Trường hợp không có cổ móng thì làm móng giả bên dưới móng thật. Đã có nhiều căn nhà được xử lý nghiêng bằng phương pháp móng trung tải.
SONG PHA (ghi)

TRẦN THANH

Tin cùng chuyên mục