Chủ bỏ trốn, công nhân lao đao

Thời gian gần đây thực trạng chủ doanh nghiệp (DN) bỏ trốn, nợ tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) của công nhân đang diễn ra với nhiều phức tạp hơn. Trong khi đó, việc xử lý của cơ quan chức năng còn nhiều lúng túng, vướng luật khiến cuộc sống công nhân lâm vào cảnh khó khăn, đặc biệt là các nữ công nhân đang thời kỳ mang thai.
Chủ bỏ trốn, công nhân lao đao

Thời gian gần đây thực trạng chủ doanh nghiệp (DN) bỏ trốn, nợ tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) của công nhân đang diễn ra với nhiều phức tạp hơn. Trong khi đó, việc xử lý của cơ quan chức năng còn nhiều lúng túng, vướng luật khiến cuộc sống công nhân lâm vào cảnh khó khăn, đặc biệt là các nữ công nhân đang thời kỳ mang thai.

Lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy và LĐLĐ TPHCM thăm, động viên và tặng quà cho nữ công nhân

Khó khăn chồng chất

Với dáng vẻ mệt mỏi, chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Công ty Bách Hợp, quận 6, có chủ là người Áo) cho biết mình vừa sinh con được nửa tháng và phải theo nuôi con bị bệnh tại bệnh viện gần 1 tuần qua. Đi sinh con, nuôi con bệnh, chị phải một mình lo lắng, bởi chồng chị, anh Nguyễn Văn Sang không dám nghỉ làm vì hiện nay chỉ còn một mình anh đi làm kiếm tiền lo cho 4 miệng ăn của gia đình. “Trước em làm lương chưa tăng ca được hơn 3 triệu đồng. Nếu công ty vẫn hoạt động, không nợ lương thì em đã có được một khoản tiền để lo sinh nở. Tiền đi sinh và con bệnh, chồng em phải ứng trước lương và mượn thêm bà con họ hàng để trang trải”, chị Thanh Nhàn tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa (Công ty TNHH Kiên Tường, quận Bình Tân, chủ là người Việt Nam), mang thai tháng thứ 7, con đầu đang học lớp 2, nhiều lần chị định sinh thêm con nhưng cứ suy tính mãi vì thấy cuộc sống còn nhiều khó khăn, không ngờ ngay thời điểm chị mang thai thì chủ bỏ trốn. Không chỉ nợ lương mà công ty còn nợ tiền BHXH 4 tháng. Chị Kim Thoa cho biết, trước khi chủ bỏ trốn cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy công ty đang kinh doanh sa sút. Thông thường công nhân sẽ được ứng lương vào ngày 20 hàng tháng, nhưng trong tháng 5 và 6 công ty không trả tiền ứng. Đến cuối tháng 7 thì không thực hiện trả lương. Trước đây, Công ty Kiên Tường đóng trên địa bàn quận 12, tháng 5-2014 mới chuyển về quận 6. Chị Kim Thoa vì đang thuê nhà trọ ở quận 12 nên dự định nghỉ làm, xin việc ở công ty khác, nhưng do đang mang thai không thể xin việc mới nên chị đã tiếp tục theo làm tại Công ty Kiên Tường với hy vọng có tiền thai sản, đỡ phần nào trong thời gian sinh nở. Hiện chi phí nhà trọ, ăn uống, đi học của con chỉ trông chờ vào đồng lương thợ hồ của chồng chị, nhưng công việc của anh khi có khi không.

Lối ra nào cho nữ công nhân thai sản?

 

* Nếu trước đây các DN có chủ bỏ trốn, nợ lương chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì gần đây tình trạng này đã xuất hiện ở nhiều DN Việt Nam.

Hiện trên địa bàn TPHCM còn 7 doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH của gần 1.300 công nhân với số tiền lương gần 8 tỷ đồng, nợ BHXH gần 10 tỷ đồng.

 

Tháng 8-2014, 181 công nhân làm việc tại Công ty TNHH SMY Việt Nam (huyện Hóc Môn, vốn trong nước) lao đao khi chủ bỏ trốn. Không chỉ nợ lương trên 1 tỷ đồng mà công ty cũng không thực hiện đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân. Qua đấu tranh của công nhân và sự can thiệp của LĐLĐ huyện Hóc Môn, công ty đã trả lương cho công nhân. Chị Trần Thị Diễm Thúy, mang thai được 4 tháng, cho biết: “Để nhận được lương, anh chị em công nhân đã phải kiên trì đấu tranh để đòi rất vất vả, vì đây là quyền lợi, là công sức của chúng tôi đã bỏ ra và theo lẽ phải được nhận từ 1 tháng trước”. Nhận được tiền thì chị Thúy cũng như các công nhân khác phải chi đóng tiền nhà trọ và trả nợ tiền gạo ở tiệm tạp hóa gần nhà. Tuy đã nhận được lương nhưng lại không có việc làm do đang mang thai không xin được việc làm khác, chị Thúy bảo vậy là trong 1 năm tới cuộc sống của chị sẽ phải trông cậy vào đồng lương ít ỏi của chồng. Chị dự kiến sẽ về quê sinh con để giảm bớt một phần chi phí, bởi chị không có BHXH nên không được hưởng chế độ thai sản. Chọn hướng về quê để sống và lo sinh nở chính là cách mà nhiều nữ công nhân đang mang thai có chủ bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH tính đến. “Em định cố gắng làm rồi dành dụm chút ít tiền để dành đến ngày sinh con. Nay lương không nhận được, việc làm lại mất, 3 mẹ con em đành về quê bám víu cha mẹ già. Nói thật, hiện em còn không tới 200.000 đồng. Sắp tới chi phí sinh nở chắc phải mượn tạm tiền bà con. Tới đâu thì lo tới đó”, chị Nguyễn Thị Mộng Ảo (Công ty Bách Hợp) tâm sự.

Để giúp đỡ cũng như bênh vực quyền lợi cho người lao động, liên đoàn lao động (LĐLĐ) các quận, huyện có DN chủ bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng nhanh chóng xác định thực trạng của DN như thế nào và hướng dẫn người lao động khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên gặp nhiều khó khăn do các cơ quan chức năng chưa thể xác định chủ DN bỏ trốn mà chỉ là đi công tác, đi du lịch… Bà Phan Thị Lan, Chủ tịch LĐLĐ quận 6, cho biết, để giúp công nhân vượt qua khó khăn trước mắt, ngoài việc thăm hỏi, tặng quà nữ công nhân khó khăn, LĐLĐ quận 6 đã chốt sổ BHXH, xin ý kiến Sở LĐTB-XH TP để trích quỹ xã hội của quận tiếp tục đóng BHXH cho những nữ công nhân đang mang thai để họ được hưởng chế độ thai sản. Bên cạnh đó đề nghị Sở LĐTB-XH chấp thuận chi trả tiền bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân.

* Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM: Tiếp tục hỗ trợ nữ công nhân mang thai

Trong thời gian qua, trên địa bàn TPHCM có một số DN ngưng hoạt động do chủ bỏ trốn, gây nên tình trạng nợ lương, nợ BHXH của công nhân. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho anh chị em công nhân. Tổ chức công đoàn đã thực hiện động thái giúp giới thiệu việc làm mới cho những công nhân chưa tìm được việc làm mới. Ngoài ra, còn hỗ trợ người lao động tiến hành các thủ tục để khởi kiện ra tòa. Riêng đối với những lao động có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức công đoàn đã đến thăm hỏi, chăm lo đời sống. Đặc biệt, chúng tôi quan tâm đến những chị em đang mang thai, bởi những đối tượng này không thể tìm được việc làm khác. Ngoài việc thăm hỏi, tặng quà, tiền để giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt thì một số LĐLĐ các quận, huyện còn trích nguồn quỹ để tiếp tục đóng BHXH cho các chị em đang mang thai nhằm động viên các chị vượt qua giai đoạn khó khăn.

* Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tại các DN

Sở LĐTB-XH đã tiếp tục ký kết hợp tác với LĐLĐ TPHCM để bảo vệ quyền lợi người lao động. Theo đó, trong năm nay sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tại các DN để kịp thời phát hiện những DN có dấu hiệu phá sản, nợ lương, nợ BHXH của công nhân, từ đó tìm biện pháp khắc phục, giúp đỡ hướng giải quyết tốt nhất cho công nhân. Hiện trên địa bàn TP còn rất nhiều DN nợ BHXH và chúng tôi đang tiến hành xử lý vấn đề này đến nơi đến chốn để người lao động không thiệt thòi. Bởi khi DN nợ BHXH thì công nhân không được chi trả tiền bảo hiểm thất nghiệp. Hiện nay quy định về các thủ tục BHXH còn nhiêu khê và sở đang có kiến nghị giảm bớt để người hưởng bảo hiểm thất nghiệp được thuận lợi hơn. Riêng những công nhân nữ đang mang thai bị nợ lương, nợ BHXH do chủ bỏ trốn, sở đã chấp thuận cho LĐLĐ các quận, huyện trích nguồn quỹ của mình để tiếp tục đóng BHXH, giúp nữ công nhân được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

* Luật sư Nguyễn Thị Anh Đào, Trưởng Văn phòng luật sư Công đoàn: Công nhân có thể gửi đơn khởi kiện DN nợ lương

Hiện chưa có Bộ luật Tố tụng lao động, các tranh chấp lao động sử dụng Bộ luật Tố tụng dân sự nên quá trình thụ lý, giải quyết có nhiều khó khăn. Theo đó, để kiện một DN, người lao động phải chứng minh được DN còn đang hoạt động thì tòa án mới nhận đơn và thụ lý giải quyết.

Để hạn chế việc DN nợ BHXH của mình, lao động nên đến BHXH quận, huyện để hỏi thông tin. Trường hợp lao động nữ có thai, biết DN nợ BHXH thì phải có đơn khiếu nại để yêu cầu DN đóng BHXH đầy đủ cho mình hoặc thỏa thuận DN phải trực tiếp thanh toán viện phí, trợ cấp trong thời gian nghỉ thai sản. Trường hợp này phải có biên lai, hóa đơn nằm viện. Công nhân cũng có thể gửi đơn khởi kiện tại tòa án quận, huyện nơi DN trú đóng để nhờ can thiệp, giải quyết. Khi chủ DN bỏ trốn, người lao động không nên quá kích động, đập phá hay lấy tài sản công ty vì sẽ vi phạm pháp luật. Người lao động nên nhờ LĐLĐ quận, huyện nơi DN đang trú đóng can thiệp và có hướng giúp đỡ, xử lý. Đối với DN, nên xin giải thể hoặc tuyên bố phá sản, phát mãi tài sản, thương thảo với chủ nợ, người lao động để giảm lãi, giãn nợ và thỏa thuận thời gian trả để không bị điều tra về những hậu quả kinh tế, xã hội có thể đến mức vi phạm pháp luật hình sự.

P.V. (ghi)

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục