Chủ động phương án sản xuất, cung ứng hàng hóa tết

Chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán 2022, Bộ Công thương đã đề nghị sở công thương các tỉnh, thành phố theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao để chủ động có phương án hoặc đề xuất cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường. 
Doanh nghiệp đã có các phương án chuẩn bị nguồn hàng cho mùa mua sắm cuối năm
Doanh nghiệp đã có các phương án chuẩn bị nguồn hàng cho mùa mua sắm cuối năm

Không để xảy ra khan hàng, sốt giá

Nhận định mùa mua sắm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sẽ có nhiều diễn biến khác so với mọi năm bởi dịch bệnh vẫn còn phức tạp, mới đây Bộ Công thương đã có công văn đề nghị sở công thương các tỉnh thành cả nước có phương án hoặc đề xuất với cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Đồng thời, chủ động tham mưu UBND tỉnh các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo các cấp diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn; có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh và tết.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề nghị sở công thương các tỉnh, thành phố phối hợp các sở ngành liên quan tổ chức hoạt động kết nối cung cầu phù hợp với diễn biến dịch bệnh, bảo đảm an toàn để kết nối các doanh nghiệp (DN) phân phối và nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu. Tổ chức thực hiện Chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia năm 2021, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp theo hình thức phù hợp, thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Đối với các đơn vị sản xuất cần hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần tết gây tâm lý bất ổn cho thị trường; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do đầu cơ, nâng giá. 

Lên kế hoạch bảo đảm nguồn cung

Thực hiện chủ trương nói trên, hầu hết DN sản xuất, phân phối đều đã có kế hoạch đảm bảo nguồn hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu để cung ứng cho mùa mua sắm cuối năm cũng như Tết Nguyên đán. 

Trong lĩnh vực sản xuất, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết, công ty sẽ dành 750 tỷ đồng chuẩn bị hàng tết, trong đó hàng chế biến 420 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ; hàng tươi sống (chủ yếu là thịt heo) với 2.800 tấn, tăng 8% so cùng kỳ. “Chúng tôi là công ty bình ổn thực phẩm của TPHCM nên phải dự trữ hàng hóa tăng hơn ngày thường nhằm đáp ứng nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng”, ông Nguyễn Ngọc An chia sẻ.

Trong lĩnh vực phân phối, đại diện nhà bán lẻ Saigon Co.op - đơn vị đang sở hữu hệ thống gần 1.000 điểm bán với nhiều mô hình cung ứng trải đều các phân khúc cho biết, các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch, đã mở cửa lại hầu hết hoạt động kinh tế - xã hội, nguồn hàng cung ứng ra thị trường đã trở lại bình thường, lưu thông hàng hóa được cải thiện đáng kể. Dù vậy, Saigon Co.op không lơ là mà luôn chuẩn bị kịch bản, sẵn sàng cho trường hợp xuất hiện các biến chủng mới của dịch trong thời gian tới. Cũng theo vị này, các cửa hàng bán lẻ trực thuộc Saigon Co.op đã chuẩn bị đầy đủ hàng thiết yếu, hàng bình ổn cho nhiều tháng, đồng thời nỗ lực thực hiện giảm và giữ giá bán hàng hóa ổn định thời gian tới. 

Ghi nhận từ Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương cho thấy, những ngày qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các tỉnh thành phía Nam. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị từ trước nên nhìn chung tình hình cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn ổn định, đáp ứng yêu cầu của người dân. Điển hình tại TPHCM, hoạt động giao thương, cung ứng hàng hóa của DN phân phối, bán lẻ cũng như chợ truyền thống đã thích ứng tốt hơn. Do đó, nguồn hàng đa dạng về chủng loại, phong phú về nhãn hiệu, giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Với những diễn tiến hiện tại cùng sự chuẩn bị sẵn sàng của DN sản xuất, DN phân phối, Bộ Công thương đánh giá, mùa mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới, khả năng thiếu hàng, sốt giá khó xảy ra.

Ngoài chuẩn bị hàng hóa, hiện Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã xây dựng “Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022”. Theo đó, tập trung chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các địa phương tăng ường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại, chú trọng các mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, hàng thực phẩm tươi sống.

Tin cùng chuyên mục