Vấn đề xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú

Chữ tâm và trách nhiệm

Chữ tâm và trách nhiệm

Cứ 5 năm một lần, từ nhiều năm nay, mỗi lần đến đợt Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú là có nhiều ý kiến không hay xung quanh vấn đề này. Và dù đã qua mấy lần xét tặng, nhưng dường như những điều bất cập vẫn còn không ít… Điều nổi cộm trong dư luận lần này là một số nghệ sĩ đã thành danh với nhiều giải thưởng trong nhiều năm nay đã từ chối không tham gia.

Chữ tâm và trách nhiệm ảnh 1

Nghệ sĩ ưu tú Bảo Quốc

Lý do là do  những thủ tục từ  qui định xét duyệt đã phần nào làm xúc phạm chất “sĩ”  của người nghệ sĩ. Nhiều người đã bày tỏ ý kiến bức xúc của mình quanh hai chữ  “xin – cho”, bởi tất cả những cống hiến của người nghệ sĩ cho nền nghệ thuật nước nhà, đó là  tâm huyết và lòng yêu nghề, không ai nghĩ mình làm nghệ thuật để được cái gì, nên danh hiệu cao quí  trao tặng cho nghệ sĩ phải  từ sự chủ động của Nhà nước…

Nhưng nói đi cũng cần nói lại, bởi làm thế nào để Nhà nước nắm hết những hoạt động của nghệ sĩ cả nước trong tất cả các bộ môn nghệ thuật để xét tặng danh hiệu? Vấn đề mấu chốt ở chỗ, “Bản tóm tắt thành tích” của mỗi nghệ sĩ theo đúng tinh thần của Quyết định 166/2005/QĐ-TTg là cần thiết, để cung cấp cứ liệu cho các hội đồng xét duyệt căn cứ vào đó để bỏ phiếu.

Đây là cách làm khoa học, bởi ở những  lĩnh vực giáo dục và y tế, khi xét tặng các danh hiệu cho các nhà giáo hay thầy thuốc đều phải có cứ liệu bằng giấy trắng mực đen như thế. Nhưng ở đây lại  là những nghệ sĩ, những người của công chúng, nên công việc của họ không hề thầm lặng như ở các lĩnh vực khác. Vì thế, đây là vấn đề vô cùng nhạy cảm và là trách nhiệm lớn của những người làm văn hóa. Cái khác của các cơ quan quản lý văn hóa với những cơ quan quản lý khác là ở chỗ này. Bởi vì anh phải hiểu người nghệ sĩ hơn ai hết.

Một nghệ sĩ đã có đóng góp lớn cho nền nghệ thuật nước nhà mà chưa được phong danh hiệu của cấp Nhà nước trong địa lĩnh vực quản lý của anh có nghĩa là anh đã bỏ sót và chưa hoàn thành trách nhiệm. Hơn ở đâu hết, cơ quan quản lý văn hóa phải hoàn toàn chủ động trong vấn đề này, bởi nếu anh chờ các nghệ sĩ đến với anh thì rõ ràng những bức xúc và lòng tự trọng của  các nghệ sĩ về việc xét tặng danh hiệu này là hoàn toàn đúng. Không có ai “xin”, và không có ai “cho” ở đây, mà chính là sự cộng tác tích cực giữa Nhà nước và nghệ sĩ để danh hiệu cao quí của Nhà nước được tặng cho những người xứng đáng.

Những năm trước, các hội chuyên ngành nghệ thuật cũng có chức năng lập Hội đồng xét duyệt bỏ phiếu để chuyển lên Hội đồng Quốc gia xét duyệt, nhưng lần này, tất cả các nghệ sĩ muốn được xét duyệt phải đi theo hệ thống nhà nước, nghĩa là từ các đơn vị nghệ thuật và nếu là nghệ sĩ tự do  thì phải từ Sở Văn hóa Thông tin.

Nhưng trong 9 thành viên Hội đồng xét duyệt của Sở VHTT TPHCM không thấy có ai làm điện ảnh, liệu có nghệ sĩ điện ảnh nào có đủ tự tin để đưa hồ sơ cho những người “ngoại đạo”  bỏ phiếu cho mình?

Điều bức xúc rất chính đáng của các nghệ sĩ đó là qui định phải có bản sao văn bản các giải thưởng kèm theo “Bản tóm tắt thành tích”. Đó là một đòi hỏi vô lý, vì với những giải cá nhân do nghệ sĩ được giữ thì không nói làm gì, nhưng với những giải chung mà nghệ sĩ là một thành viên đóng góp thì bản sao ấy tìm đâu ra, nếu đơn vị không có phòng truyền thống với ý thức gìn giữ?

Thực ra, với những giải thưởng cấp quốc gia, Văn phòng Cục Nghệ thuật biểu diễn và Cục Điện ảnh  phải có nhiệm vụ lưu giữ,  và nghệ sĩ chỉ cần nêu tên tác phẩm là có thể tìm thấy ngay, hà cớ phải “đày” người nghệ sĩ  làm những việc vô bổ như vậy?

Ai cũng hiểu việc xét tặng danh hiệu cao quí cho các nghệ sĩ là việc làm đúng và cần thiết, nhưng vấn đề là cách làm, là cái tâm, là trách nhiệm của những người quản lý văn hóa.

BÍCH CHÂU

Tin cùng chuyên mục