Ban hành hướng dẫn cho vay đóng tàu đánh bắt xa bờ
(SGGP). - Ngày 15-8, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 22 hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, điều kiện vay đối với cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần khai thác hải sản được quy định cụ thể: tàu đóng mới phải có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên; nâng cấp tàu có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.
Đáng chú ý, chủ tàu muốn vay phải có tên trong danh sách phê duyệt của UBND tỉnh, thành trực thuộc Trung ương là đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, đồng thời, chủ tàu phải cam kết mua đầy đủ bảo hiểm theo quy định. Đối với cho vay vốn lưu động, điều kiện vay là chủ tàu đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể và phương án vay vốn được ngân hàng thương mại thẩm định có hiệu quả, khả thi.
Theo Nghị định 67 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 25-8 tới), khi đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (có tổng công suất máy chính 400CV trở lên), đối với tàu vỏ thép chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm; đóng mới tàu vỏ gỗ chủ tàu được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm...
BẢO MINH