Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Ấn Độ

Smita Pant (Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM):
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Ấn Độ

Smita Pant (Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM): Giữa lúc chúng ta đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 125 năm ngày sinh của một trong những lãnh tụ và là nhà cải cách vĩ đại nhất, tôi ngồi giữa lòng TPHCM cảm nhận không khí sôi nổi ở Ấn Độ, đặc biệt ở thành phố sôi động Kolkata, nơi đặt trụ sở của Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam được thành lập từ năm 1970.

Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam, ngài Geetesh Sharma, vừa có mặt ở TPHCM tham dự các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong suốt cuộc trò chuyện, chúng tôi đã tưởng nhớ 3 sinh viên Ấn Độ đã ngã xuống trong một cuộc đàn áp của cảnh sát trong lúc đấu tranh vì nhân dân Việt Nam anh em. Đó là khoảng thời gian trước độc lập của chúng tôi và những đau khổ cũng như cuộc đấu tranh của Việt Nam đã được cảm nhận sâu sắc tại Ấn Độ. Ông cũng kể cho tôi nghe về những hoạt động khác nhau đang được thực hiện ở Ấn Độ để tỏ lòng tôn kính Bác Hồ. Một trong những sự kiện được tổ chức vào ngày 9-5 ở Kolkata là các tác giả, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà báo và các viện sĩ hàn lâm đã họp mặt để tưởng nhớ con người vĩ đại và tinh thần bất khuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tôi hân hạnh giới thiệu với các bạn một số bài viết và bài thơ trình diễn tại sự kiện này, hy vọng bạn bè Việt Nam sẽ thích và nhận thấy rằng các bạn cảm nhận Người vĩ đại bao nhiêu thì chúng tôi cũng cảm nhận như thế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, hai nhà lãnh đạo đặt nền mo1ngcho quan hệ Việt Nam- Ấn Độ



Nhà báo - Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam Geetesh Sharma:

Bác Hồ - Thần tượng của tôi

Vào giữa thế kỷ 20, đặc biệt vào những năm 1950 đến 1970, Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tâm điểm chú ý của giới trí thức và các nhà hoạt động chính trị ở Ấn Độ. Đây là thời điểm có rất nhiều bài viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau về Hồ Chí Minh, đặc biệt ở bang Tây Bel Gal nơi có hàng loạt bài thơ và bài báo ca ngợi Người. Những tác phẩm của Người và quyển Nhật ký trong tù đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ đã tạo nguồn cảm hứng cho độc giả. Thật vậy, đối với chúng tôi, tình cảm luôn gắn liền với cuộc đấu tranh của Việt Nam, Việt Nam đồng nghĩa với Hồ Chí Minh.

Sẽ khó tìm thấy người Ấn Độ nào không biết vị lãnh tụ huyền thoại vĩ đại của Việt Nam - Hồ Chí Minh - hoặc không biết tinh thần bất khuất và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam có thể không đạt được nếu như không có sự lãnh đạo và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi đường và những quyết sách định hướng vì nhân dân của Người. Chúng tôi ở Ấn Độ ngưỡng mộ Người, kính trọng Người và học theo Người. Một biểu tượng của sự chân phương và giản dị. Tôi vẫn còn nhớ việc Người thường đi đôi dép xăng-đan làm bằng vỏ xe cũ đã khuyến khích các nhà lãnh đạo cộng sản, cán bộ, trí thức và các nhà hoạt động xã hội làm theo Người, tạo thành xu hướng phổ biến một thời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ vào năm 1958 đã để lại ấn tượng không phai trong lòng nhân dân Ấn Độ. Người đã chiếm trọn trái tim của từng người bởi thái độ hiền hòa, thân ái và khiêm nhường. Hàng ngàn người dân Ấn Độ chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đoàn xe của Người đi qua và rất nhiều người đã khóc khi nhìn thấy Người. Sự hiện diện của Người đã tạo một nguồn năng lượng lớn lao như thế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp lại sự ấm áp và niềm vui của người dân bằng những lời phát biểu chân tình chứ không phải đọc một bài diễn văn đã có sẵn.

Các thế hệ lão thành của Ấn Độ đều nhớ bài phát biểu chia tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “10 ngày của chuyến thăm Ấn Độ của tôi đã trôi qua rất nhanh. Ở Việt Nam chúng tôi có thành ngữ: nếu ai đó buồn thì thời gian sẽ trôi đi rất chậm, nếu ai đó hạnh phúc thì thời gian sẽ bay rất nhanh. Tôi xin cảm ơn Chính phủ và nhân dân Ấn Độ vì sự ấm áp và lòng hiếu khách và với tôi có vẻ như thời gian đã trôi qua rất nhanh. Tôi sẽ nhớ mãi những danh lam thắng cảnh của Ấn Độ. Tôi sẽ không thể quên tình cảm ấm áp và thái độ thân tình mà các cháu thanh thiếu niên Ấn Độ đã dành cho tôi.

Tôi sẽ kể cho nhân dân tôi về những gì tôi đã thấy và nghe ở nơi đây. Tôi sẽ mang theo mình lời chào thân ái của những người bạn Ấn Độ gửi đến đồng bào tôi.

Tôi sẽ rời đất nước các bạn, nhưng tôi không bao giờ xa các bạn. Tôi chân thành cảm ơn Tổng thống - tiến sĩ Rajendra Prasad và Thủ tướng Jawaharlal Nehru và tất cả thành viên của Chính phủ vì sự đón tiếp thân mật và ấm áp. Cảm ơn các ngài thị trưởng, quan chức và phi hành đoàn đã chăm sóc chúng tôi rất tốt. Tôi chào tạm biệt các bạn!

Chào tạm biệt những người anh em của nước Cộng hòa Ấn Độ!”

Bác Hồ gửi muôn vàn tình yêu thương đến trẻ em Ấn Độ, cho các cháu trai, cháu gái của Bác.
Tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Ấn Độ muôn năm!
Tình đoàn kết Á-Phi muôn năm!
Hòa bình thế giới muôn năm!
Jai Hind! (Xin chào Ấn Độ!)

Nhà thơ, dịch giả, thành viên Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam Pravamayee Samantaray:

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người anh hùng của tôi

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hùng của tôi, là người anh hùng của tôi. Trong giấc mơ, tôi nhìn thấy Người, tôi đã gặp Người. Giấc mơ của tôi đã hoàn thành khi tôi nhìn thấy Người nằm bình thản trong trang phục thường ngày trong chuyến thăm Hà Nội lần cuối cùng của tôi. Tôi không tìm được lời nào để bày tỏ tình cảm của mình về những tình cảm sâu sắc trong trái tim tôi. Tôi đã khóc, tôi đã khóc trong niềm vui. Giấc mơ của tôi đã thành hiện thực.

Nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bổn phận thiêng liêng của chúng ta không chỉ là bày tỏ lòng tôn kính đối với một chính khách vĩ đại, biểu tượng của nhân dân bị áp bức, một hình tượng truyền cảm hứng và một người bạn vĩ đại của Ấn Độ, mà còn phải tìm hiểu và ghi nhớ những hành động và lời nói đầy nhân ái của Người, tình thương của Người dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng và niềm tin của Người vào sự hòa hợp của nhân loại.

Trong chuyến thăm Kolkata, Bác Hồ đã gặp Ranmitra Sen, người sinh viên bị bắn trọng thương trong cuộc biểu tình ủng hộ các chiến sĩ đấu tranh cho tự do của nhân dân Việt Nam vào tháng 1-1947. Bỏ qua nghi thức ngoại giao, Người đến chào anh và ôm anh vào lòng với tình cảm thắm thiết. Hành động thể hiện tình cảm bất ngờ của Bác Hồ đã khiến người dân Kolkata rất cảm động và chúng tôi còn nhắc với lòng trìu mến mãi đến tận bây giờ. Chúng tôi vẫn thường nhắc về Người, nhớ đến Người và những giá trị mà Người là đại diện. Tôi không thể tìm được lời nào diễn tả tình yêu của tôi dành cho Người.

VIỆT TRUNG dịch

Tin cùng chuyên mục