Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Mục tiêu đề ra trong quy hoạch cần phải chọn phương án tăng trưởng cao

Sáng 6-1, thảo luận tại tổ đại biểu TPHCM về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, đi liền với hội nhập sâu rộng, cần phải có thể chế tích cực, đồng bộ. Từ đột phá trong thể chế sẽ tạo được đột phá trong phát triển. “Thể chế, thể chế và thể chế”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tổ đại biểu TPHCM về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia. Ảnh: QUANG PHÚC
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tổ đại biểu TPHCM về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia. Ảnh: QUANG PHÚC
Quang cảnh phiên họp tổ đại biểu TPHCM sáng 6-1. Ảnh: QUANG PHÚC

Quang cảnh phiên họp tổ đại biểu TPHCM sáng 6-1. Ảnh: QUANG PHÚC

Nhắc lại quá trình quá trình gian nan, kéo dài, nhiều ý kiến khác nhau gay gắt trong suốt quá trình xây dựng cho đến khi thống nhất, ban hành được Luật Quy hoạch, Chủ tịch nước khẳng định, sự ưu việt của phương pháp quy hoạch tích hợp. Nhìn về tương lai, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: “Với thời gian quy hoạch rất dài, tầm nhìn gần 30 năm trong một giai đoạn thế giới đầy biến động, công nghệ đổi mới sáng tạo phát triển như vũ bão thì tính dự báo trong quy hoạch là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định hiệu quả của quy hoạch”.

Bên cạnh đó, để quy hoạch không bị lạc hậu, cần có sự đánh giá tình hình, cập nhật thường xuyên; chú trọng bảo vệ các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu… Trong các yếu tố quyết định thành công của việc thực hiện quy hoạch, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhìn nhận chung về dự thảo quy hoạch, Chủ tịch nước ví von: “Dù còn mặt này mặt khác, nhưng coi như xương sống, xương sườn đã có, bây giờ Chính phủ cần ban hành nghị định để hướng dẫn cụ thể trong quá trình thực hiện”.

Liên quan đến một số mục tiêu cụ thể được đề ra trong quy hoạch, theo Chủ tịch nước, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao (quy hoạch đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng) với lý do chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bày tỏ quan tâm đến các hành lang kinh tế được thiết kế trong quy hoạch, Chủ tịch nước nhận định, Việt Nam đang ở trong khu vực ASEAN phát triển rất năng động. Bên cạnh các hành lang kinh tế đã nêu trong quy hoạch, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đề nghị quan tâm, bổ sung đến kết nối kinh tế với các nước Thái Lan – Lào – Myanmar…

Tin cùng chuyên mục