Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đấu tranh với tham nhũng dù đó là ai, ở cấp nào

Ngày 11-1, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 4 (khóa VII). Tới dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đấu tranh với tham nhũng dù đó là ai, ở cấp nào

(SGGP). – Ngày 11-1, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 4 (khóa VII). Tới dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải.

Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, năm 2011, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình, chương trình “Nối vòng tay lớn” đã vận động được 6.328 tỷ đồng, nâng kết quả đạt được cả năm lên 6.500 tỷ đồng. Với nguồn lực này, Mặt trận các cấp đã xây dựng và sửa chữa 73.671 căn nhà giúp các gia đình chính sách và chăm lo đời sống cho hàng triệu người nghèo. Riêng Tết Nguyên đán năm nay, Mặt trận các cấp đã tặng 100.000 suất quà tết (trị giá 300.000 đồng/suất) chăm lo người nghèo…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các đại biểu tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các đại biểu tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Cuối tháng 12-2011 vừa qua, BCH Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 4, theo đó đã thảo luận và ra nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, qua đó khẳng định vai trò, thành tựu của Đảng ta trong suốt 80 năm qua…Tuy nhiên, hiện nay trong Đảng vẫn còn nhiều mặt khuyết điểm, yếu kém chưa khắc phục, có mặt còn phức tạp thêm làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước… Vì vậy, tôi đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương vừa qua. Trước hết, Mặt trận cần phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng quy chế giám sát, phản biện xã hội để các cơ quan có thẩm quyền sớm thông qua, làm cơ sở phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong giám sát hoạt động của các tổ chức, cơ quan Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và phản biện các chủ trương chính sách của các cơ quan Đảng, Nhà nước và thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện, phát hiện, đấu tranh kịp thời với những vi phạm, bảo đảm cho chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả… Mặt trận các cấp cần làm tốt việc tổ chức, động viên nhân dân tham gia phát hiện, đấu tranh với những cán bộ, đảng viên tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, dù đó là ai, ở cấp nào, không có “vùng cấm”, tạo dư luận xã hội, phê phán, lên án mạnh mẽ tệ nạn này; Mặt trận theo dõi, giám sát, thúc đẩy việc xử lý nghiêm minh mọi vi phạm theo đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không để “chìm xuồng”, rơi vào im lặng hoặc “nhẹ trên, nặng dưới”; kiến nghị kịp thời với Đảng, Nhà nước tôn vinh những người có công đóng góp với công tác xây dựng Đảng và bảo vệ những người có dũng khí đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực…”.

Để thực hiện được những nhiệm vụ cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch nước nêu rõ: Trên cơ sở thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng, các quy định của pháp luật, dựa vào sự giám sát, giúp đỡ của nhân dân, nêu cao ý thức trách nhiệm, tự giác của mỗi cán bộ đảng viên, kết hợp giữa “xây và chống”, “chống và xây”, BCH Trung ương Đảng đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, như mỗi cán bộ, đảng viên phải tự chỉnh đốn mình, cán bộ càng cao thì càng phải gương mẫu, đặc biệt sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định; thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, không nể nang, né tránh, dĩ hòa vi quý, hữu khuynh trong sinh hoạt “tự phê bình và phê bình” ở các tổ chức Đảng; tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; kịp thời có kết luận, giải quyết những vụ việc tiêu cực lớn, dư luận xã hội bức xúc, xử lý nghiêm những vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khẩn trương nghiên cứu, tổng kết, đề xuất các cơ chế, chính sách, quy chế, quy định phù hợp với điều kiện mới…

Trong đó, có giải pháp phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, sự giám sát của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, của các phương tiện thông tin đại chúng.

Tại hội nghị, các vị nhân sĩ, trí thức cả nước đã thảo luận, đóng góp ý kiến xoay quanh các vấn đề bức xúc như: chống tham nhũng tiêu cực, phát huy dân chủ, công bằng xã hội, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao đời sống trẻ em và người nghèo ở vùng sâu, vùng xa; chống suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên… nhằm củng cố niềm tin của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh…

Hôm nay (12-1) hội nghị tiếp tục làm việc. 

M.NGỌC

Tin cùng chuyên mục