Năm 2014 là một năm mà Việt Nam trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Những vấn đề về đối ngoại, giải quyết tranh chấp trên biển Đông, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, cũng như công tác phòng chống tham nhũng đã trở thành tâm điểm, được nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi. Nhân dịp Xuân mới Ất Mùi 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành cho phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng cuộc trao đổi về những vấn đề này.
Một góc TP Hồ Chí Minh. Ảnh: THÁI BẰNG
Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm
° Phóng viên: Xin Chủ tịch nước cho biết ấn tượng sâu sắc nhất của mình trong năm 2014?
° Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG: Năm 2014 là một năm thách thức trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, từ vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo đến việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, rồi công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên... Nhưng với quyết tâm và nỗ lực cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã vượt qua khó khăn, đứng vững và có bước phát triển trên các lĩnh vực.
° Năm 2014, sự kiện giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc vào hoạt động trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã dấy lên một làn sóng yêu nước rộng khắp và mãnh liệt của nhân dân ta. Chủ tịch nước nhận xét gì về điều đó?
° Chủ quyền quốc gia luôn là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Chắc chắn 90 triệu đồng bào ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài, ai cũng nghĩ như vậy. Chúng ta mong muốn sống trong hòa bình, ổn định, có quan hệ hợp tác, hữu nghị với các quốc gia láng giềng cũng như với tất cả các nước trên thế giới. Nhưng khi độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước bị xâm phạm, thì mọi người Việt Nam lại thể hiện mạnh mẽ lòng yêu nước, ai cũng thấy mình có nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ những điều thiêng liêng đó. Nếu đất nước bị xâm phạm mà ai đó vẫn “bình thản, mặc kệ” thì đó chắc chắn không phải là người Việt Nam!
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: GIẢN THANH SƠN
° Có thể nói, trong mỗi người dân nước ta luôn tiềm tàng một lòng yêu nước vô cùng mãnh liệt, khi đất nước gặp khó khăn thì lòng yêu nước đó lại bùng lên?
° Điều đó hoàn toàn đúng! Nhìn lại lịch sử đất nước, từ thời Vua Hùng đến nay, mỗi khi đất nước bị giặc ngoại xâm đe dọa thì bao giờ người dân cũng đồng lòng đoàn kết để bảo vệ đất nước. Tổng kết lịch sử dân tộc, Bác Hồ đã nói: Nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì lòng yêu nước đó tạo thành những làn sóng nhấn chìm mọi kẻ cướp nước và bán nước. Dân tộc chúng ta là một dân tộc hòa hiếu, luôn mong muốn có hòa bình và quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước trên thế giới. Nhưng khi có ai xâm hại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích của đất nước, thì nhân dân Việt Nam kiên quyết đứng lên đấu tranh. Dù đối phương có sức mạnh vật chất hơn chúng ta rất nhiều lần, nhưng chúng ta cũng không sợ, không chịu khuất phục. Chúng ta luôn hành động một cách chính nghĩa và lẽ phải, chiến thắng luôn đứng về phía chúng ta.
Đoàn kết, đồng lòng khi đất nước gặp khó khăn
° Với mỗi người dân Việt Nam là vậy. Nhưng riêng với bà con Việt kiều thì sao? Xin Chủ tịch nước cho biết vai trò của bà con người Việt Nam ở nước ngoài trong vấn đề xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay?
° Cộng đồng bà con Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Hiện có khoảng 4,6 triệu đồng bào ta đang làm ăn, sinh sống, học tập ở nước ngoài. Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong thời kỳ hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng bào ta ở nước ngoài có những đóng góp rất quan trọng. Vừa qua, khi chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của đất nước bị đe dọa, bà con Việt kiều đã bày tỏ lòng yêu nước rất mạnh mẽ. Điều đó thể hiện trách nhiệm của mỗi người Việt Nam đối với đất nước. Đồng bào ở trong nước và đồng bào ở ngoài nước ngày càng hòa quyện, đoàn kết với nhau, tạo nên sức mạnh chung của dân tộc, để đưa đất nước ngày càng phát triển, vững mạnh về mọi mặt.
° Trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã tổ chức cho bà con Việt kiều, kể cả những người lính chế độ cũ, ra thăm Trường Sa. Việc làm đó nói lên điều gì, thưa Chủ tịch nước?
° Đó là một việc làm rất có ý nghĩa. Đông đảo bà con Việt kiều, trong đó có những người trước đây là lính chế độ cũ, khi ra Trường Sa, bà con đã tận mắt thấy rõ, do đó có nhận thức đúng đắn về những gì mà Đảng và Nhà nước đã làm và quyết tâm làm để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc. Điều đó làm tăng thêm sự gắn bó của bà con với quê hương, đất nước và góp phần củng cố lòng yêu nước của bà con ta ở nước ngoài, những người luôn mang trong mình dòng máu con Lạc, cháu Hồng.
° Như vậy, vấn đề chủ quyền, nền độc lập, tự do, thống nhất của đất nước luôn là mẫu số chung để mọi người con của dân tộc Việt Nam hướng đến?
° Đúng như vậy, và luôn là như vậy! Đây là truyền thống vô cùng quý báu của đất nước ta, của dân tộc ta. Đó chính là nền tảng để đất nước ta tồn tại và không ngừng phát triển.
° Trong rất nhiều ngày lễ lớn của đất nước năm 2015, chúng ta sẽ kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cũng trong năm nay, tròn 20 năm Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ. Chủ tịch nước nghĩ về 2 sự kiện đó như thế nào?
° Chúng ta chủ trương “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Người Việt Nam luôn hòa hiếu, sẵn sàng hợp tác, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.
Phải sớm giải quyết những bức xúc của nhân dân, tăng cường vai trò làm chủ của nhân dân
° Chủ tịch nước đánh giá như thế vào về lòng tin của nhân dân hiện nay đối với Đảng và chế độ?
° Phải khẳng định là tuyệt đại bộ phận nhân dân rất tin Đảng. Dòng người vào Lăng viếng Bác Hồ, lên Phú Thọ viếng các Vua Hùng hàng năm vẫn tăng lên nhiều lắm, không hề giảm. Điều đó nói lên rằng, dù có khó khăn, nhân dân vẫn kính yêu Bác Hồ, vẫn tin Đảng, vẫn hướng về cội nguồn dân tộc. Nhưng cũng phải thấy rằng, còn có nhiều điều mà người dân bức xúc. Gần 30 năm đổi mới, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu hết sức lớn lao, nhưng vẫn còn những hạn chế, yếu kém chưa được khắc phục tốt. Đó là tệ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ức hiếp người dân, là oan sai, bất công, phân hóa giàu nghèo trong xã hội... Những người lãnh đạo đất nước có trách nhiệm lớn trong vấn đề này. Tôi tin rằng trong những năm tới, tình hình nhất định sẽ tốt hơn lên, lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ sẽ được củng cố, tăng cường.
° Trong lĩnh vực chống tham nhũng, hầu hết các vụ việc đều từ dân phản ánh mà ra, nhưng thực sự vai trò giám sát của người dân chưa được coi trọng thì làm sao có thể huy động người dân vào cuộc để “dọn dẹp” những tiêu cực như Chủ tịch nước vừa nói?
° Đúng là vừa qua, nhiều vụ tham nhũng do nhân dân phản ánh, phát hiện ra. Người tham nhũng có thể che giấu, qua mặt được các cơ quan quản lý, nhưng khó có thể che giấu được tai mắt của nhân dân. Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn kêu gọi nhân dân, có quy chế để nhân dân giám sát tổ chức, cơ quan Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Nhân dân đã tích cực tham gia. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người dân còn sợ lắm, sợ tố cáo, phát giác tham nhũng, ai bảo vệ họ? Ngay cả có cán bộ đến nhà tôi nói chuyện mà cứ nhìn xem có ai thấy mình không? Rõ là dân chủ chưa đảm bảo rồi. Phải thực sự bảo vệ người dân, phải bảo vệ người phát hiện tham nhũng. Bác Hồ cũng đã dạy rồi, dân chủ là để người dân được mở miệng... Như thế thì tình hình sẽ tốt hơn.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm xã Nông thôn mới Tân Lân - huyện Cần Đước, tỉnh Long An, tháng 12-2014. Ảnh: GIẢN THANH SƠN
° Theo Chủ tịch nước, để giải quyết được những tồn tại bức xúc hiện nay khiến dân lung lay niềm tin vào Đảng, vào chế độ thì phải đề cao dân chủ của người dân, nhất thiết để dân làm chủ?
° Đúng như vậy! Trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, đất nước này là của dân chứ không phải của một ai cả. Nhân dân cử anh ra để mà quản lý, là người thừa hành, nếu làm không đúng, người dân có quyền yêu cầu dừng lại.
° Chủ tịch nước nghĩ như thế nào về câu nói của người xưa “đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”?
° Đó là chân lý muôn đời, muôn thuở. Đó là điều mà những người lãnh đạo phải luôn tâm niệm và nhận thức sâu sắc. Nhìn lại lịch sử đất nước chúng ta thấy, triều đại nào, chế độ nào vì dân, được dân tin tưởng thì tồn tại và phát triển, vững vàng trước mọi thách thức, đánh bại mọi kẻ xâm lược. Tôi muốn nói thêm đất nước ta trải qua rất nhiều năm chiến tranh, đồng bào, đồng chí chúng ta hy sinh rất to lớn để giành lấy độc lập, tự do. Chúng ta mong muốn nước nhà, như Bác Hồ dạy, độc lập rồi thì dân ta phải được tự do, ấm no, hạnh phúc. Mục tiêu, lý tưởng này là bất biến, không thay đổi. Đảng, Nhà nước ta phải làm để mỗi người dân phải được hưởng trọn vẹn, đầy đủ những điều đó.
° Là một người lãnh đạo từng gắn bó lâu năm với TPHCM, nhân dịp năm mới, Chủ tịch nước có gửi gắm gì tới nhân dân TPHCM?
° Tôi sinh ra nơi khác, nhưng trưởng thành và gắn bó với TPHCM rất nhiều năm tháng. Nhân dịp năm mới, tôi xin gửi đến đồng bào, cán bộ, chiến sĩ TPHCM lời chúc năm mới đạt được nhiều thắng lợi mới, để trong tương lai không xa, TPHCM sẽ không thua kém bất cứ thành phố nào trong khu vực ASEAN.
° Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước!
TRẦN LƯU (thực hiện)