Tại biểu tiếp xúc, các cử tri đã nêu nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội như: thu phí BOT, ô nhiễm môi trường, phòng chống tham nhũng, lãng phí của công, quy hoạch treo, bảo hiểm y tế, giá cả hàng nông sản…
Cử tri mong muốn Quốc hội giám sát chặt chẽ hơn nữa vấn đề quy hoạch. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đáng lo ngại, mà Nhà máy Giấy Lee & Man ở Hậu Giang luôn khiến người dân không an tâm. Nếu nhà máy giấy này hoạt động không đảm bảo môi trường thì sẽ ảnh hưởng đến người dân địa phương và dòng sông Hậu.
Tình trạng tham nhũng, lãng phí của công rất đáng quan ngại; nhiều vụ án gây thất thoát hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng, thiệt hại cho Nhà nước rất lớn, cần được xử lý nghiêm”.
Cử tri Trần Thanh Long (quận Cái Răng) cho rằng: “Tình trạng BOT, nhất là thu phí BOT ở Cai Lậy (Tiền Giang) gần đây rất nóng làm cho dân bức xúc. Cử tri mong muốn ngành chức làm rõ vấn đề BOT, nơi nào được đầu tư xây dựng theo BOT, kinh phí đầu tư bao nhiêu, chất lượng công trình ra sao, thu phí mức nào, thời gian thu bao lâu…mọi việc cần rõ ràng để cho dân biết”.
Cử tri Lê Thanh Hồng, phường Phú Thứ, trăn trở về giá cả nông sản cứ bấp bênh làm cho nông dân không an tâm sản xuất. Dù ngành chức năng khuyến khích hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân nhưng thực hiện chưa nhiều. Nếu cứ mạnh ai nấy làm thì nông dân khó giàu lên được…
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Trước đây khi cử tri nêu ý kiến lo lắng về môi trường ở nhà máy giấy trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thì Quốc hội đã có ý kiến với các bộ ngành chức năng và cụ thể là Bộ TN-MT đã và đang giám sát chặt chẽ về môi trường. Quan điểm chung là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, nếu Nhà máy Giấy này chưa đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện… theo quy định thì chưa cho vận hành hoạt động. Những nhà máy khác ở nơi khác cũng vậy, hoạt động phải đảm bảo môi trường”.
Đối với phòng chống tham nhũng thì Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật phòng chống tham nhũng đủ sức răn đe. Riêng 12 dự án thuộc ngành Công thương thì Quốc hội đã yêu cầu báo cáo về lãng phí ra sao, trách nhiệm của ai… Hiện Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra.
Tình trạng BOT gây bức xúc thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát. Quan điểm là nơi nào cần đầu tư theo BOT, số vốn bao nhiêu, thu phí mức nào, thời gian thu… phải cụ thể, hợp lý.
Trả lời ý kiến cử tri về hiệu quả hoạt động của một số, ban ngành mang tính “trung gian”. Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tới đây Trung ương sẽ kiểm tra lại hoạt động có hiệu quả không, trên quan điểm 1 cơ quan làm nhiều việc chứ không thể để 1 việc mà nhiều cơ quan làm. Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và một số Ban khác cũng được xem xét trong thời gian tới…
Về an toàn vệ sinh thực phẩm, nếu như trước đây có 3 bộ chịu trách nhiệm là Bộ NN-PTNT lo sản xuất; Bộ Công thương lo khâu lưu thông, phân phối; khi lên bàn ăn thì Bộ Y tế chịu trách nhiệm… điều này dẫn đến một số chồng chéo. Nay Chính phủ giao cho Bộ Y tế chịu trách nhiệm chính về an toàn vệ sinh thực phẩm (các bộ khác sẽ phối hợp).
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chia sẻ những khó khăn của nông dân về giá cả nông sản, nhất là bà con ĐBSCL- vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực của cả nước. Hiện nay, Chính phủ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, giá trị. Điều đáng mừng là một số loại trái cây của nước ta đã xuất khẩu khá mạnh vào các thị trường khó tính, đây là hướng đi tích cực cần phát triển trong thời gian tới…