Chủ tịch UBND TPHCM chỉ ra 3 nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công chậm

Một trong những nguyên nhân chủ quan mà Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận là do việc điều hành của thường trực UBND TPHCM có thời điểm còn chậm. 

Đầu tư toàn xã hội khoảng 500.000 tỷ đồng để đạt tăng trưởng 10%

Trao đổi với đại biểu (ĐB) tại kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa X, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi lý giải về việc đặt mục tiêu tăng trưởng cao. Theo đồng chí, tại kỳ họp HĐND TPHCM thường lệ cuối năm 2023, các đại biểu cũng băn khoăn khi thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 ở mức 7,5-8% là rất thách thức. Tuy nhiên, quan điểm của thành phố là đặt mục tiêu cao để có động lực phấn đấu. Kiểm điểm lại, với kết quả tăng trưởng năm 2024 ước đạt 7,17%, dù không đạt nhưng đã tiệm cận với mục tiêu tăng trưởng đề ra, cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố.

“Gần đây, trong đánh giá của Chính phủ, đồng chí Bộ Trưởng Bộ KH-ĐT đề cập năm nay tăng trưởng của cả nước có khả năng đạt trên 7%, nhờ những động lực tăng trưởng từ Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng. Thành phố cũng thấy tự hào khi đã đóng góp được vào kết quả chung đó”, Chủ tịch UBND TPHCM PHAN VĂN MÃI chia sẻ.

Nhấn mạnh đến mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của thành phố là khoảng 10%, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định đây là một thách thức rất lớn, bởi với quy mô kinh tế lớn như TPHCM mà tăng trưởng ở mức này không hề đơn giản. Đồng chí phân tích, 1% tăng trưởng ở TPHCM tương đương với 1,3% của Hà Nội, 4,1% của Hải Phòng, 14,5% của Đà Nẵng và 17,3% của Cần Thơ. Do đó, nếu đạt được kết quả như đề ra, thành phố sẽ đóng góp quan trọng cho kết quả chung.

Qua quá trình điều hành hoạt động, TPHCM cũng đã đúc rút ra kinh nghiệm để tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Cụ thể, sau Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM giữa năm, UBND TPHCM đã ban hành công văn rà soát lại tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ và đề ra các giải pháp cụ thể để tập trung thực hiện trong năm 2024 và 2025 với mục tiêu phải hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết đã đề ra. Sau đó, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 12 về thúc đẩy tăng trưởng năm 2024 và 2025. Đồng chí khẳng định Chỉ thị này đã mang lại một số kết quả đóng góp vào tăng trưởng của năm 2024.

2.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin các nội dung về tăng trưởng GRDP, giải ngân đầu tư công tại kỳ họp. Ảnh VIỆT DŨNG

Sắp tới, thành phố sẽ sơ kết 4 tháng thực hiện Chỉ thị 12 để tiếp tục xác định các trọng tâm, các giải pháp đột phá để năm sau tăng trưởng đạt khoảng 10%. Thành phố xác định một trong các giải pháp là tổng đầu tư toàn xã hội phải đạt khoảng 500.000 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư từ ngân sách là 100.000 tỷ đồng (chiếm 20%), còn lại 400.000 tỷ đồng phải được huy động từ đầu tư xã hội.

“Việc tháo gỡ, thúc đẩy các dự án đang tồn đọng sẽ đóng góp rất lớn”, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định và đánh giá chương trình kích cầu của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) cũng đóng góp lớn. Đồng chí gợi mở, nếu HFIC tham gia 20% trong hợp vốn với các ngân hàng thương mại, bỏ ra 10.000 tỷ đồng thì sẽ huy động 80% còn lại từ phía các ngân hàng. Việc trước mắt là phải thông báo và trong tháng 12 phải lựa chọn 6 dự án để triển khai ngay.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tạo điều kiện cho đầu tư của doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài. Các nhóm đầu tư này dự kiến huy động 400.000 tỷ đồng, còn lại là tiêu dùng, xuất khẩu và các động lực mới như kinh tế số, kinh tế xanh... Có như vậy thì mới có khả năng đạt được tăng trưởng 10%.

Giải ngân đầu tư công dự đạt 81%

Về giải ngân đầu tư công, Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, đến nay thành phố đã giải ngân đạt 33% và đang tập trung cao để trong năm giải ngân đạt trên 80%. Qua rà soát, thành phố ước từ nay đến cuối năm, khả năng giải ngân đầu tư công sẽ đạt được 81%.

5.jpg
Đại biểu đặt câu hỏi với lãnh đạo TPHCM tại kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khoá X. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, thành phố cũng đã xác định nguyên nhân dẫn đến giải ngân đầu tư công năm nay chậm, dồn vào cuối năm. Đó là do gói bổ sung trung hạn phải được chuẩn bị đầu tư và thời gian chuẩn bị choàng qua nửa đầu năm 2024, thậm chí đến giờ này một số dự án chuẩn bị đầu tư chưa hoàn thành. Ngoài ra, còn do sự thay đổi của các quy định pháp luật, nhất là Luật đất đai mới có hiệu lực từ ngày 1-8 với các chính sách tốt hơn, thành phố chờ để áp dụng nên chậm giải phóng mặt bằng.

Song, đồng chí cũng thẳng thắn nhìn nhận các nguyên nhân chủ quan. Đó là do công tác quy hoạch, dù đã đưa các dự án vào danh sách trung hạn nhưng chưa kịp thời điều chỉnh quy hoạch dẫn đến mất thời gian trong điều chỉnh quy hoạch. Đó còn là việc giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục của các dự án ở các sở, ngành có lúc chậm, cụ thể là từ 6 cơ quan (Sở QH-KT, Sở Xây dựng, Sở GTVT, Sở TN-MT, Sở KH-ĐT và Văn phòng UBND TPHCM).

Bên cạnh đó, còn do việc điều hành của thường trực UBND TPHCM, dù tập trung hàng ngày, hàng tuần họp tháo gỡ, kiểm tra công trình nhưng có thời điểm vẫn chậm.

Để cải thiện, thành phố đã có chỉ đạo cụ thể đến nhóm các chủ đầu tư và các sở ngành tập trung hồ sơ nhiều; phân công từng đồng chí Thường trực UBND TPHCM phụ trách các dự án có vốn giải ngân lớn, đảm bảo đến cuối năm đạt trên 80%.

3.jpg

Thông tin tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, dự kiến năm 2025 cả vốn Trung ương giao và vốn địa phương là 85.000 tỷ đồng, chuyển 20% của năm nay sang thì số vốn giải ngân đầu tư công của thành phố năm 2025 khoảng 100.000 tỷ đồng. Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM có yêu cầu UBND TPHCM xây dựng đề án giải ngân đầu tư công không chỉ cho 2025 mà trung hạn 2026-2030, nhiệm vụ và các giải pháp giải ngân đầu tư công để chủ động giải ngân năm 2025 nhanh hơn, hoàn thành được trung hạn là 250.000 tỷ đồng.

Đề cập đến sắp xếp bộ máy trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thành phố sẽ xác định rõ chức năng nhiệm vụ, nội dung nào trong hệ thống làm, nội dung nào dịch vụ công làm, nội dung nào nền kinh tế - xã hội làm và kiến nghị Trung ương sửa đổi các quy định pháp luật liên quan để việc triển khai thuận lợi, sát thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Ngoài ra, thành phố cũng đã phân công rà soát lại quy định để đơn giản hóa quy trình.

“Việc sắp xếp bộ máy không chỉ sáp nhập về bộ máy mà phải rà soát được thể chế và củng cố lại đội ngũ. Đây là nhiệm vụ rất lớn từ nay đến giữa năm 2025. Chúng tôi mong muốn lắng nghe thêm ý kiến của các đại biểu, chuyên gia và người dân”, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị.

Tin cùng chuyên mục