Trước thềm “Hội nghị Phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin và AI tại TPHCM”, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi xung quanh các vấn đề này.
- PV: Thưa đồng chí, chủ trương xây dựng Chương trình AI tại TPHCM là gắn chặt với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Xin đồng chí cho biết mục tiêu chung mà thành phố đã đặt ra từ Chương trình AI?
Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THÀNH PHONG: Trong những năm qua TPHCM đã luôn quan tâm ứng dụng KH-CN trong mọi mặt của đời sống xã hội và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ứng dụng KH-CN, công nghệ thông tin (CNTT) phát triển kinh tế - xã hội thành phố là chủ trương lớn, đã được triển khai nhiều năm qua và thể hiện qua những cột mốc quan trọng như: ngày 23-11-2017, TPHCM đã phê duyệt Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh (ĐTTM) giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” và đến nay, 4 trụ cột của ĐTTM đã được đưa vào vận hành giai đoạn 1, gồm: Kho dữ liệu dùng chung và Hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội; Trung tâm Điều hành ĐTTM và Trung tâm an toàn thông tin.
Mới đây, ngày 3-7-2020, thành phố cũng đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của TPHCM, với mục tiêu: đến năm 2025 tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên. Ngoài ra, 90% hồ sơ công việc cấp thành phố, 80% hồ sơ công việc cấp quận huyện và 60% hồ sơ công việc cấp phường xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật). Trong 5 năm tới, Kho dữ liệu dùng chung của thành phố sẽ được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia (gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm) để phục vụ phát triển chính quyền số, phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. TPHCM thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu về chính phủ điện tử; kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Đến năm 2030, thành phố phấn đấu toàn bộ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả điện thoại di động. Ngoài ra, tất cả hồ sơ công việc cấp thành phố, quận huyện và 95% hồ sơ công việc cấp phường xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). TPHCM thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%. Chương trình chuyển đổi số của TPHCM được xây dựng dựa trên Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố.
Chúng ta đã thấy, chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, mà còn tác động vô cùng sâu rộng trên các lĩnh vực của kinh tế - chính trị - xã hội. TPHCM xác định chuyển đổi số là cơ hội lớn để nâng cao năng lực quản lý của các cấp chính quyền thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố một cách mạnh mẽ, đưa TPHCM sớm gia nhập vào nhóm các thành phố phát triển toàn cầu. Để thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số, tiếp tục thực hiện Đề án Xây dựng TPHCM trở thành ĐTTM thì Chương trình AI phải được thực hiện. Tại Việt Nam, chuyển đổi số là cốt lõi của phát triển trong kỷ nguyên số, là cơ hội có một không hai để Việt Nam có thể vượt lên trong một vài thập niên tới.
Chương trình AI đặt mục tiêu xây dựng và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành công nghệ then chốt phục vụ chuyển đổi số, cung cấp giải pháp thông minh cho các dịch vụ và sản phẩm thông minh, góp phần xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, đô thị sáng tạo.
Với mục tiêu chung nói trên, kỳ vọng ngành công nghiệp AI nói riêng và CNTT nói chung sẽ trở thành ngành kinh tế nền tảng, có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng GRDP của thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh và bền vững trong thời gian tới. Chúng ta cũng đặt mục tiêu, TPHCM trở thành một trong những trung tâm của Việt Nam và khu vực về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng AI; có trình độ phát triển AI nằm trong nhóm các thành phố dẫn đầu trong khu vực ASEAN.
- Chương trình AI với nhiều đề án, dự án, hạng mục phải thực hiện. Nhưng trước mắt TPHCM sẽ thực hiện những đề án, dự án, hạng mục cụ thể nào?
Giai đoạn 2020-2021, TPHCM triển khai 8 đề án và dự án. Trong đó, tập trung triển khai Đề án Xây dựng hạ tầng số nhằm hướng đến mục tiêu phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao trên toàn thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng mạng di động 5G; đẩy mạnh việc chuyển đổi, ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6) cho tất cả các hệ thống, ứng dụng của sở, ngành trên địa bàn thành phố; phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT). Đồng thời, triển khai thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng tính toán hiệu năng cao phục vụ hệ sinh thái AI bao gồm nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI…
Các hạng mục khác cũng được tiến hành song song, như: hạng mục xây dựng cơ chế, chính sách về AI. Hạng mục này nhằm xây dựng các khung pháp lý cơ bản đầy đủ, tạo cơ chế và chính sách ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển AI từ môi trường nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng thí điểm đến ứng dụng rộng rãi trong xã hội. Riêng chương trình khảo sát nhu cầu ứng dụng và phát triển AI, sẽ tiến hành khảo sát nhu cầu ứng dụng và phát triển AI của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, bao gồm khảo sát nhu cầu về nguồn nhân lực AI. Việc này sẽ được hiện ngay từ đầu năm 2021.
- TPHCM cũng đặt mục tiêu trở thành trung tâm của cả nước và khu vực về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng AI, vậy TPHCM sẽ bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào?
Đây là một trong những mục tiêu lớn trong Chương trình AI của TPHCM giai đoạn 2020-2030 và để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm của cả nước và khu vực về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng AI, trước mắt TPHCM sẽ ưu tiên thực hiện chính sách thu hút nguồn lực trong và ngoài nước; đầu tư xây dựng ít nhất 2 trung tâm nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ về AI ngang tầm khu vực ASEAN.
Thành phố cũng đang thực hiện các chương trình xây dựng đội ngũ nhân lực AI đủ số lượng và đảm bảo chất lượng ở các lĩnh vực như: phân tích dữ liệu lớn, học máy, nhận dạng tiếng nói, an toàn thông tin, IoT… phục vụ cho nghiên cứu, triển khai và ứng dụng AI cho các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Có thể kể đến một số chương trình như: (1) Đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ quốc tế về AI; (2) Đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu vận hành và điều hành sản phẩm AI phục vụ người dân; (3) Thúc đẩy các cơ sở đào tạo đại học trên địa bàn thành phố đầu tư nguồn lực cho các phòng thí nghiệm, các dự án nghiên cứu triển khai, ứng dụng về AI; (4) Triển khai phổ cập kỹ năng xây dựng dữ liệu, ứng dụng AI cho người dân, đặc biệt thanh thiếu niên của thành phố; (5) Triển khai đào tạo về AI dành cho người lao động muốn chuyển đổi nghề nghiệp…
TPHCM cũng vừa tổ chức xong Hội thi giải pháp ứng dụng AI trên địa bàn TPHCM năm 2020. Hội thi cũng đã tìm ra những ứng dụng - giải pháp sử dụng AI giải quyết các bài toán được đặt ra trong bối cảnh thành phố đang tập trung đầu tư phát triển và đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng AI cho thành phố thông minh… Từ các sản phẩm dự thi cũng như đội dự thi, xuất hiện thêm những nhân tố mới. Việc tổ chức giải thưởng về AI cũng là chương trình quan trọng, đây là hoạt động nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng AI; tôn vinh doanh nghiệp có giải pháp, ứng dụng AI phục vụ hoạt động để phổ biến, nhân rộng trong cộng đồng doanh nghiệp.
Và ngày 7-11, thành phố tổ chức “Hội nghị Phát triển doanh nghiệp CNTT và AI tại TPHCM”, tiếp tục khẳng định vai trò của ứng dụng CNTT, AI trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố để tương xứng với tiềm năng vốn có và kiến tạo những giá trị mới cho thành phố. Sự kiện lần này cũng sẽ công bố kết quả hội thi giải pháp ứng dụng AI và chính thức ra mắt Hội đồng Chuyên gia tư vấn Chương trình AI. Hội đồng sẽ là tổ chức tư vấn, đóng góp ý kiến, tham mưu hoạch định chiến lược phát triển lĩnh vực AI cho thành phố.
Có thể khẳng định, Chương trình AI của thành phố đã trải qua một quá trình chuẩn bị kỹ càng và nghiêm túc. Từ tháng 3-2019, thành phố đã phối hợp tổ chức hội thảo “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TPHCM giai đoạn 2019-2025”, qua đó xác định thực trạng ban đầu cho Chương trình AI của thành phố. Tháng 9-2019, hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng AI - Khuyến cáo cho TPHCM” đã được thành phố tổ chức cùng với sự đồng hành của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhằm mục tiêu “xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI tại TP.HCM giai đoạn 2019 - 2025” và qua hội thảo còn đúc kết và đưa ra những quyết sách để hoàn thiện Chương trình AI của thành phố.
Từ quá trình trên, TPHCM mới có Chương trình AI. Đây là một trong những chương trình mà lãnh đạo thành phố và các sở, ngành đặt quyết tâm chính trị rất cao, nhằm từng bước sớm đưa AI trở thành động lực mới để thành phố phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.
- Cảm ơn đồng chí!