(SGGP).- Chiều 18-11, Quốc hội làm việc tại hội trường, cho ý kiến về dự án Luật Du lịch.
Phát biểu về vấn đề này, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị tập trung nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch.
ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) thẳng thắn nhận xét, nguồn nhân lực du lịch hiện nay vừa thiếu, vừa yếu, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên (HDV). Khi mở cửa thị trường ASEAN nói chung và thị trường HDV nói riêng, rất có thể HDV Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà.
Cùng quan điểm, các ĐB Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn), Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đề nghị sớm có bộ tiêu chuẩn riêng và chương trình đào tạo chuyên sâu đối với HDV du lịch quốc tế và nội địa.
Thậm chí, ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) còn cho rằng, nên phân biệt 3 loại HDV du lịch, gồm HDV quốc tế, HDV nội địa và HDV tại điểm. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng quản lý ngành, nhiều ĐBQH đề xuất có giải pháp tăng cường, củng cố đội ngũ thanh tra du lịch.
“Quy định về thanh tra du lịch trong dự thảo luật không có gì khác so với hiện hành, mà thực tế cho thấy đã có sự buông lỏng quản lý ở nhiều nơi, nhiều khâu. Nhiều vụ lật tàu bè, tai nạn gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của du khách xuất phát từ nguyên nhân doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện an toàn nhưng vẫn hoạt động”, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nhận xét.
Nêu thực tế đáng buồn là có tới 70% du khách nước ngoài đến Việt Nam không quay trở lại lần thứ hai, các ĐBQH cũng đề xuất đẩy mạnh xây dựng văn hóa ứng xử của HDV du lịch cũng như văn hóa ứng xử của người dân, doanh nghiệp dịch vụ du lịch nói chung. Không phản đối việc thành lập Quỹ xúc tiến du lịch, song các ý kiến ĐBQH góp ý về nội dung này đều yêu cầu cụ thể hóa ngay trong luật các nguyên tắc thu - chi, cơ chế sử dụng quỹ… để đảm bảo tính hiệu quả và minh bạch.
Anh Thư