Chú trọng nguồn đầu tư nội địa

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết dựa trên đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Malaysia, chính phủ nước này sẽ điều chỉnh chính sách đầu tư. 
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob

Theo đó, chú trọng tăng cường đầu tư trực tiếp trong nước (DDI), xác định đây là yếu tố quan trọng nhất để phục hồi nền kinh tế. 

Đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Malaysia nhấn mạnh đến việc nghiên cứu về các sáng kiến nhằm giảm 50% các thủ tục hành chính mang tính quan liêu, thực hiện hợp nhất và điều phối các khuyến khích đầu tư, tái thiết kế các quy trình quản lý lao động nước ngoài cũng như chuẩn bị các kế hoạch hành động để mở rộng mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuyên bố của ông Yaakob nêu rõ, nhằm thúc đẩy tiềm năng của DDI, Chính phủ Malaysia tiếp tục cam kết nâng cao chất lượng dịch vụ của chính quyền cơ sở, đặc biệt là tăng cường triển khai OSC 3.0 (tạm dịch: Trung tâm một cửa dành cho hành chính công) đến OSC 3.0 Plus, đảm bảo sự hiệu quả, nhanh chóng và minh bạch. OSC 3.0 Plus là quy trình hoàn chỉnh và thống nhất được xây dựng trên cơ sở các văn bản luật pháp hiện hành, nhằm điều chỉnh cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển của chính quyền cơ sở. OSC 3.0 Plus sẽ được áp dụng cho đến khi các văn phòng và công sở đủ điều kiện được trang bị, vận hành các ứng dụng kỹ thuật số trên tất cả 98 cơ quan chính cấp quận huyện thuộc các bang phía Tây bán đảo Malaysia.

Thủ tướng Ismail Sabri tái khẳng định quá trình phục hồi kinh tế của đất nước hiện đang ở mức tốt, chính phủ cam kết tạo điều kiện thuận lợi tối đa nhằm khuyến khích DDI với cách tiếp cận theo phương châm đơn giản hóa công việc của các doanh nghiệp. Cho đến nay, mặc dù vẫn hứng chịu các tác động kinh tế do hậu quả của đại dịch Covid-19, nhưng Malaysia vẫn duy trì được nền tảng kinh tế cơ bản do chính phủ hỗ trợ thông qua các biện pháp khác nhau nhằm ngăn chặn suy thoái kinh tế.

Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, triển vọng trung hạn của kinh tế Malaysia vẫn không thay đổi. Ngân hàng Thế giới dự báo nền kinh tế Malaysia tăng trưởng 5,5% trong năm nay, nhưng cũng có thể chỉ tăng 4,8% nếu các điều kiện kinh tế toàn cầu xấu đi. Để đảm bảo tăng trưởng bền vững, quốc gia Đông Nam Á này cần đẩy mạnh hơn nữa kết nối thương mại và đầu tư.

Tin cùng chuyên mục