Chưa an tâm với tuyển sinh lớp 10

Sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung Kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2021-2022, trong đó có đề xuất phương án tuyển sinh lớp 10, tờ trình mới đây nhất của Sở GD-ĐT TPHCM chưa thể khiến phụ huynh và học sinh an lòng. 
Thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 tại TPHCM
Thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 tại TPHCM

Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sau 2 lần hoãn tổ chức kỳ thi tuyển sinh, đến nay phương án xét tuyển đã chính thức thay đổi từ thi tuyển qua xét tuyển. Tuy nhiên, việc xác định tiêu chí xét tuyển sao cho phù hợp là một trong những bài toán khó, đòi hỏi sự đánh giá toàn diện của cơ quan quản lý để đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh.

Hiện nay, 2 phương án đang được đặt lên “bàn cân” là xét tuyển dựa trên tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 9 hay tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 6, 7, 8, 9. Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TPHCM, xét tuyển dựa trên điểm trung bình môn cả năm lớp 9 đối với 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ có sự tương đồng về các môn thi trong kế hoạch thi tuyển lớp 10 các năm trước, đồng thời phù hợp với quá trình tập trung học tập suốt năm lớp 9 của học sinh. Bên cạnh đó, đề thi tuyển sinh nhiều năm trở lại đây đều có kiến thức tập trung chủ yếu trong chương trình lớp 9 nên việc lựa chọn kết quả học tập của năm học này để xét tuyển sẽ phản ánh đúng khả năng học tập của các em. 

Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là có thể đánh giá không toàn diện năng lực học tập của học sinh khi chỉ dựa trên điểm số của 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ trong một năm học. Ngược lại, phương án chọn điểm trung bình môn cả năm lớp 6, 7, 8, 9 có thế mạnh là thể hiện được năng lực toàn diện và quá trình học tập của học sinh, song cũng có hạn chế là kết quả học tập ở các khối 6, 7, 8 có thể không phản ánh đúng năng lực của người học do học sinh không tập trung cao ở các lớp dưới. 

Có thể thấy dù chọn phương án xét tuyển nào thì nguy cơ “đánh giá không toàn diện” đều có thể xảy ra. Thêm vào đó, tờ trình hiện nay của Sở GD-ĐT TPHCM mới đề cập đến hai nhóm đối tượng là tuyển sinh lớp 10 thường và lớp 10 chuyên, chưa quan tâm đúng mức đến tuyển sinh lớp 10 tích hợp (gần 1.000 thí sinh) và học sinh ở các trường dân lập, tư thục có nguyện vọng tham gia xét tuyển lớp 10 công lập. Câu hỏi được đặt ra, phải chăng áp lực về mặt thời gian khiến công tác tuyển sinh đang còn bất cập?

Trước thực tế đó, nhiều chuyên gia giáo dục đề xuất, bên cạnh tiêu chí xét điểm học bạ, cơ quan quản lý cần nghiên cứu thêm các tiêu chí phụ để đánh giá đúng năng lực người học, đảm bảo tuyển sinh đúng đối tượng. Riêng với tuyển sinh lớp 10 chuyên và tích hợp cần có phương án tổ chức hợp lý, trường hợp dịch bệnh diễn biến quá phức tạp có thể cân nhắc lùi thời gian khai giảng năm học mới để đảm bảo chất lượng tuyển sinh.

Tin cùng chuyên mục