Nhiều bất ổn trong đào tạo nghề
Cả nước hiện có 1.948 cơ sở GDNN, trong đó có 397 trường CĐ, 519 trường TC và 1.032 trung tâm GDNN. Như vậy có thể nói mạng lưới GDNN phủ rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, thực tế kết quả tuyển sinh ở từng vùng miền lại rất khác biệt.
Theo Tổng cục GDNN (Bộ LĐTB-XH), năm 2018, GDNN tuyển sinh được 2,21 triệu người, đạt 100,5% so với kế hoạch. Tuy nhiên, số lượng tuyển mới chủ yếu vào học trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác (chiếm 75%); còn trình độ TC và CĐ chỉ chiếm khoảng 25% (khoảng 545.000 người).
Nếu tính từng vùng kinh tế - xã hội thì có sự phân bổ không đồng đều. Trong tổng số chỉ tiêu tuyển được, khu vực Tây Nguyên chỉ chiếm 3%; Đông Nam bộ 27,9%; vùng đồng bằng sông Hồng 27,7; vùng ĐBSCL chiếm 11,3%. Nếu tính theo từng địa phương thì có 7/63 tỉnh tuyển sinh đạt dưới 200 sinh viên CĐ và 3 tỉnh không tuyển sinh được.
Theo ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, tuyển sinh GDNN nhìn chung còn gặp khó khăn, đặc biệt ở những ngành, nghề nặng nhọc độc hại, ngành nghề năng khiếu. Trong khi đó, doanh nghiệp thiếu lao động nhưng lại tuyển dụng lao động có kỹ năng ít, chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông.
Nguyên nhân vì đâu?
Nhìn nhận nguyên nhân, Tổng cục GDNN cho rằng về quản lý nhà nước, dù GDNN đã được chuyển về Bộ LĐTB-XH quản lý gần 3 năm nay, nhưng thực tế còn một số địa phương chưa có sự đồng thuận trong việc bàn giao và vận hành quản lý, gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo.
Mặt khác, phương thức tuyển sinh ĐH có nhiều sự thay đổi (chỉ tiêu tuyển sinh ngày càng tăng, điểm chuẩn hạ thấp, thời gian tuyển sinh dài nên đã thu hút phần lớn học sinh vào học ĐH, trong khi số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm không tăng nhiều) đã tạo áp lực cho các cơ sở đào tạo nghề trong công tác tuyển sinh. Nhiều trường ĐH hiện nay vẫn cố “ôm” hệ CĐ, trong khi quy định đến năm 2020 phải dừng đào tạo hệ CĐ.
Một nguyên nhân nữa cũng được phân tích đó là năng lực của một số cơ sở đào tạo nghề hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chưa hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để hỗ trợ người học thực hành, thực tập và tìm kiếm việc làm.
Nguyên nhân kế đến là công tác dự báo thông tin về cung - cầu của hệ thống GDNN và thị trường lao động trong nước, thế giới còn bất cập, chưa theo kịp, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay.
Nói về những hạn chế của GDNN, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, phân tích: Ở các trường tuyển sinh không được, lãnh đạo nhà trường và giáo viên còn khá thụ động, không quảng bá hình ảnh; chương trình không phù hợp và đặc biệt quan hệ với doanh nghiệp còn hạn chế nên rất khó có uy tín trước xã hội.
Mặt khác, sự phát triển cơ sở GDNN thiếu quy hoạch dẫn đến chồng chéo các ngành nghề đào tạo, nên tình trạng cạnh tranh tuyển sinh còn căng thẳng.
Thực tế đó đòi hỏi phải quy hoạch lại các cơ sở GDNN, cần thiết phải sáp nhập một số trường công lập để đào tạo đa nghề, đa cấp trình độ. Các cơ sở GDNN nên giao về các địa phương thực hiện quản lý nhà nước, xóa bỏ bộ ngành chủ quản và thúc đẩy sự tự chủ, chủ động của cơ sở đào tạo.
Mặt khác, những ngành nghề mà tư nhân làm tốt thì khuyến khích tư nhân làm, Nhà nước đầu tư và ưu tiên đào tạo những ngành nghề phục vụ cho kinh tế mũi nhọn của địa phương, hoặc đầu tư lĩnh vực công nghệ cao.
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, đánh giá rằng bức tranh tuyển sinh của các trường CĐ trên cả nước còn nhiều ảm đạm. Nguyên nhân chủ yếu tập trung vào các vấn đề như chất lượng đào tạo, sức ỳ của bản thân các trường do bao cấp, nhận thức của xã hội. Ngoài ra, một vấn đề đáng ngại chính là tình trạng bỏ học của sinh viên ở các trường CĐ khá cao, trong đó có nguyên nhân là do khi học các em cảm thấy chán với chất lượng đào tạo và nghỉ học để nuôi hy vọng học ĐH. |