Tư vấn

Chữa ho, cảm lạnh cho trẻ

* Con tôi thỉnh thoảng bị ho, cảm lạnh. Nếu muốn điều trị tại nhà, tôi phải làm sao? Lê Hoàng Anh (25 tuổi, quận 7, TPHCM)

* Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM
tư vấn: Để chăm sóc trẻ bị ho, cảm lạnh tại nhà, ngoài việc dùng thuốc điều trị sốt, khò khè theo hướng dẫn của thầy thuốc, phụ huynh phải cho trẻ dùng thêm các loại thuốc nam an toàn như: tắc chưng đường, mật ong, rau tần dầy lá (húng chanh), nước trà loãng nhưng ấm… để giảm ho, đau họng. Hơn nữa, cho trẻ uống đủ nước, trẻ được ăn hoặc bú nhiều lần hơn. Cần phải làm vệ sinh, giúp mũi thông thoáng để trẻ dễ thở, dễ bú hơn.

Tuy nhiên, cần lưu ý, không lạm dụng thuốc kháng sinh khi trị ho, cảm lạnh ở trẻ. Vì thuốc này không hiệu quả, tốn kém, mà có thể gây tác dụng phụ và làm vi trùng kháng thuốc. Dù điều trị tại nhà cho thuận tiện nhưng nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu sau cần đưa ngay đến bệnh viện như: trẻ mệt hơn, không uống được khó thở và thở nhanh hơn.

* Vừa rồi, đi khám, bác sĩ chẩn đoán tôi bị giãn tĩnh mạch chi dưới. Khuyên mỗi lần ngồi, nhất là đi ngủ… phải để chân lên cao. Vì sao lại như vậy? Cho tôi hỏi thêm vì sao mắc bệnh này? Ngọc Lân (33 tuổi, Đà Nẵng)

* BS Trương Công Dũng, Khoa Y học Thể Thao, BV Nhân dân 115: Việc gác chân cao trong bệnh giãn tĩnh mạch rất có hiệu quả giúp cho máu chảy về tim dễ dàng hơn do đó tránh được ứ đọng làm phù và đau chân. Bình thường, khác với máu động mạch được tim co bóp đẩy đi, máu ở tĩnh mạch không tự chảy về tim mà phải nhờ cơ bắp bơm về và hệ thống van một chiều để ngăn không cho máu chảy ngược xuống lại.

Cơ chế này đặc biệt quan trọng ở hai chân, là nơi thấp nhất và máu phải mất một quãng đường xa nhất để về tim. Nguyên nhân của dãn tĩnh mạch có thể do hậu quả của thuyên tắc tĩnh mạch, do suy van tĩnh mạch, do công việc đứng quá nhiều làm van tĩnh mạch bị giãn... hoặc không có một nguyên nhân cụ thể nào. Bạn nên tìm thêm các yếu tố nguy cơ để có biện pháp phòng ngừa thích hợp.

Tin cùng chuyên mục