Chưa hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn

Chiều 13-11, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã tổ chức hội nghị giao ban tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 10 tháng năm 2015.

Chiều 13-11, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã tổ chức hội nghị giao ban tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 10 tháng năm 2015.

CPH có thể hoàn thành 90%, thoái vốn ngoài ngành chỉ đạt 37%

Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, cả nước đã sắp xếp được 175 DNNN, trong đó, CPH 159 DN. Như vậy, tính từ 2011 đến 10-11-2015, cả nước đã sắp xếp được 471 DN, trong đó CPH được 408 DN. Nếu các bộ, ngành, địa phương, DN sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, CPH đã được phê duyệt, dự kiến năm 2015 sẽ CPH được khoảng 210 DN. Như vậy, số DNNN CPH giai đoạn 2011 - 2015 sẽ là 459 DN, đạt 90% kế hoạch. Riêng 2 năm 2014 và 2015 CPH được 353 DN.

Về thoái vốn nhà nước, 10 tháng năm 2015, cả nước thoái được 9.152 tỷ đồng, thu về 13.767 tỷ đồng. Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 4.418 tỷ đồng (thu về 4.956 tỷ đồng); bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các DN khác là 4.734 tỷ đồng (thu về 8.811 tỷ đồng). Như vậy, lũy kế từ năm 2012 đến 28-10, cả nước thoái được 16.450 tỷ đồng, thu về 22.870 tỷ đồng. Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 8.704 tỷ đồng (trên tổng số 23.325 tỷ đồng phải thoái vốn tại 5 lĩnh vực nêu trên, bằng 37% kế hoạch), thu về 9.540 tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các DN khác là 7.746 tỷ đồng, thu về 13.330 tỷ đồng.

Chưa sát sao,  thiếu quyết liệt

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tiến độ thực hiện tái cơ cấu DNNN đã được đẩy nhanh nhưng số lượng DN phải hoàn thành CPH trong 2 tháng cuối năm vẫn còn khoảng 20% kế hoạch 2011 - 2015. Số vốn các tập đoàn, tổng công ty còn phải thoái khỏi các lĩnh vực: bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng 60% tổng số vốn phải thoái.

Nguyên nhân chủ quan là một số bộ, ngành, địa phương, DN chưa thật sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, CPH, thoái vốn đã được phê duyệt. Về khách quan, những biến động của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế thời gian vừa qua và những khó khăn của kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán và việc bán cổ phần, thoái vốn nhà nước (bình quân 10 tháng năm 2015 số cổ phần IPO bán chỉ đạt 38% tổng số chào bán). Nhiều DN thực hiện sắp xếp, CPH giai đoạn hiện nay có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp, việc xử lý công nợ, xử lý tài chính, phương án sử dụng đất trong quá trình xác định giá trị DN để cổ phần hóa; việc lựa chọn cổ đông chiến lược… cần có nhiều thời gian để chuẩn bị, xử lý.

Một số bộ, ngành, địa phương đã bị nêu tên khi việc thực hiện đạt kết quả thấp hoặc chưa có kết quả như: Bộ Công thương (2/12 DN), Bộ Tài nguyên và Môi trường (0/5 DN), Bộ Thông tin và Truyền thông (0/4 DN), Nam Định (0/5 DN), Tiền Giang (0/5 DN), Bình Dương (0/3 DN) Bình Phước (0/3 DN), Đắk Lắk (0/3 DN), Gia Lai (0/3 DN),…

Phản hồi về việc triển khai chậm, theo đại diện tỉnh Nam Định, theo kế hoạch, tỉnh phải CPH 5 DN... Trong việc xác định giá trị DN thì công ty môi trường có tài sản là hệ thống xử lý rác hình thành từ nguồn vốn viện trợ trước đây khi còn là đơn vị sự nghiệp. Nếu đưa vào giá trị DN để CPH thì cán bộ công nhân viên, cổ đông không muốn và DN đề nghị để tài sản này ngoài DN nhưng vẫn để DN tiếp tục quản lý, từ đó thực hiện đơn đặt hàng của tỉnh. Không đồng ý với lý do vướng mắc này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thẳng thắn: “Những lý do đồng chí nêu ra “chả có vướng gì cả”. Những lý do đó trên này xử lý rất nhiều, rất sớm, hướng dẫn đã có. Kể cả dự án vay vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới đang triển khai đã xử lý được. Các đồng chí cần suy nghĩ. Chắc các đồng chí không tích cực. Trong DN ai không tích cực đề nghị báo cáo tỉnh ủy, UBND kiểm điểm”.

Xung quanh việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, “đến giờ phút này đạt được yêu cầu” và việc “rút lui” cần có “trật tự” như Thủ tướng đã đề cập. Thoái vốn phải có lộ trình, không thoái vốn bằng bất cứ giá nào. Nếu thấy cần thiết thì báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt việc thoái vốn. Tuy nhiên, những DN có vốn đầu tư vào DN khác mà “càng để càng lỗ thì phải bán càng nhanh càng tốt”. Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Thủ tướng đã yêu cầu việc tái cơ cấu DNNN là nhiệm vụ trọng tâm, nơi nào không làm được thì xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Đề nghị các bộ, ngành nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng bởi “nếu không sẽ nhờn, làm cũng được mà không làm cũng không sao” .

 Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến hết ngày 20-10 có 93 DN CPH bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng tại sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán với tổng số lượng cổ phần chào bán là 836 triệu cổ phiếu, trị giá 8.367 tỷ đồng. Tuy nhiên số cổ phiếu bán được là 318 triệu cổ phiếu, trị giá 4.683 tỷ đồng, đạt 38% tổng số lượng cổ phần chào bán.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục