Chứng khoán toàn cầu lại lao dốc

Ngày 9-2, sắc đỏ lại xuất hiện trên hàng loạt sàn chứng khoán từ Mỹ sang châu Âu đến châu Á. Đây là phiên giảm điểm mạnh thứ 2 của thị trường chứng khoán toàn cầu chỉ trong vòng 1 tuần lễ. 

 

Nhân viên giao dịch theo dõi chỉ số tại sàn giao dịch chứng khoán New York
Nhân viên giao dịch theo dõi chỉ số tại sàn giao dịch chứng khoán New York
Tâm lý lo ngại 

Các chuyên gia kinh tế lý giải việc lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ xuất phát từ tình trạng các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu do lo ngại về khả năng lãi suất trái phiếu tiếp tục tăng. Trong phiên giao dịch ngày 9-2,  tại thị trường giao dịch New York, cả 3 chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều giảm điểm mạnh. Trong đó, chỉ số Dow Jones giảm 4,2% điểm, tương ứng hơn 1.000 điểm, còn 23.860,46 điểm. Chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq lần lượt giảm 3,8% điểm và 3,9% điểm, dừng ở mức 2.581 điểm và 6.777 điểm. Như vậy, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều đã để mất tổng cộng hơn 10% trong 2 ngày giao dịch vừa qua.

Trước tình trạng trên, tuy bày tỏ lo ngại nhưng giới chức Nhà Trắng vẫn cho rằng số liệu việc làm và lợi nhuận doanh nghiệp cao là những dấu hiệu cho thấy các nền tảng dài hạn của nền kinh tế mạnh. Theo các nhà phân tích, khả năng tăng lãi suất trái phiếu đã tác động đến tâm lý của giới đầu tư. Họ lo ngại việc lãi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng trong những ngày vừa qua sẽ khiến thị trường cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn. Đã có dự báo cho rằng nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay, FED có thể tăng lãi suất 4 đợt thay vì 3 đợt như dự kiến trong năm 2018. Đà giảm lần này đơn thuần chỉ là một điều chỉnh và nó có thể kéo dài hết tháng 2 và sang tháng 3.

Do tác động của thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường chứng khoán châu Á cũng đồng loạt lao dốc trong ngày 9-2. Tại thị trường giao dịch Tokyo, chỉ số  Nikkei (Nhật Bản) đã giảm 2,32% điểm, còn 21.382 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc)  giảm 4,05% . Tại châu Âu, chỉ số chứng khoán DAX (Đức) giảm 0,06% trong khi chỉ số FTSE (Anh) giảm 0,59% , còn 7.128 điểm. 

Cảnh báo từ cải cách thuế
 
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm liên tiếp, giới chuyên gia kinh tế đã bày tỏ lo ngại về một vấn đề khác đó là cải cách thuế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đã xuất hiện các cảnh báo cho rằng dự luật cải cách thuế của Mỹ có thể gây tác động trầm trọng đối với thị trường đầu tư nước ngoài toàn cầu khi các doanh nghiệp đa quốc gia Mỹ có thể “hồi hương” gần 2.000 tỷ USD tiền lợi nhuận. Các trung tâm tài chính như Hà Lan, Anh, Luxembourg và Bermuda sẽ chứng kiến tình trạng rút vốn lớn bởi hầu hết nguồn vốn đầu tư của Mỹ tại đây bằng tiền mặt.

Vào tháng 12-2017, Chính phủ Mỹ đã thông qua chính sách cải cách thuế lớn nhất trong vòng 30 năm qua tại nước này. Theo kế hoạch cải cách thuế mới, thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm từ mức 35% xuống 20% và lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ thu được từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài phần lớn sẽ không bị đánh thuế. Các nền kinh tế đang phát triển, chiếm 25% lượng FDI của Mỹ, sẽ chịu ít ảnh hưởng hơn do phần lớn lượng vốn đã rót vào các tài sản sinh lời và không thể hồi hương trong thời gian ngắn. Nhiều chuyên gia cũng lo ngại về hiệu ứng dây chuyền khi chính sách thuế mới của Mỹ sẽ khơi mào cho chủ trương cải cách thuế và giảm thuế ở những nền kinh tế khác, đặc biệt là tại châu Âu.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nhận định kế hoạch cải cách thuế của Mỹ sẽ hỗ trợ nền kinh tế nước này trong ngắn hạn nhưng có thể làm tổn hại nền tảng thuế tại các nước châu Âu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, tác động tiêu cực sẽ không kéo dài, bởi nền kinh tế khu vực này đang tăng trưởng ổn định.

Tin cùng chuyên mục