
LTS: Báo SGGP ngày 11-7-2016 có đăng bài Hệ thống thủy lợi bị ô nhiễm nặng nêu thực trạng các trại chăn nuôi và cơ sở sản xuất ngang nhiên xả thải, đầu độc hệ thống thủy lợi ở TPHCM. Lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và trách nhiệm trong việc kiểm tra và ngăn chặn việc xả thải gây ô nhiễm nguồn nước đã có thông tin phản hồi.
Ông NGUYỄN VĂN ĐAM, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác dịch vụ thủy lợi:
Cần có biện pháp chế tài cứng rắn hơn
Nhiều cơ sở sản xuất không có giấy phép vẫn ngang nhiên xả thải vào hệ thống thủy lợi. Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác dịch vụ thủy lợi đã phát hiện, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM và sở đã gửi văn bản đến cho các cơ sở yêu cầu chấm dứt việc xả thải, đồng thời cũng thông báo với chính quyền địa phương. Thế nhưng, vi phạm vẫn tiếp diễn. Thậm chí, trong đợt khảo sát thực tế mới đây, công ty lại phát hiện thêm khá nhiều miệng cống đổ vào hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bình Chánh của những cơ sở chưa có tên trong “danh sách đen”.
Không chỉ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mà khu sản xuất tập trung cũng xả nước thải ô nhiễm ra hệ thống thủy lợi. Lãnh đạo KCN Lê Minh Xuân báo cáo nước thải của khu tiểu thủ công nghiệp được thu gom toàn bộ đưa về nhà máy xử lý tập trung và được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Thế nhưng, rất nhiều lần chúng tôi phát hiện nước thải ô nhiễm từ khu tiểu thủ công nghiệp xả ra kênh C16 và C18, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nguồn nước phục vụ hoạt động sản xuất của nông dân. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp chế tài cứng rắn hơn đối với những cơ sở liên tục vi phạm như rút giấy phép xả thải, đình chỉ việc xả thải hoặc đình chỉ sản xuất…, chứ biện pháp nhắc nhở hay xử phạt hiện nay như “bắt cóc bỏ đĩa”, không đủ sức răn đe. Hoặc cho phép chúng tôi được tháo dỡ các cống xả thải của các cơ sở gây ô nhiễm thường xuyên, hạn chế nước ô nhiễm xả vào hệ thống thủy lợi, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất của nông dân.
Bà NGUYỄN THỊ THANH MỸ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM:
Các đơn vị, địa phương phải cùng vào cuộc
Tại TPHCM, thẩm quyền cấp phép xả thải vào môi trường ngoài Sở TN-MT còn có Sở NN-PTNT. Chính quyền các địa phương cũng có thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử phạt việc xả thải không đúng quy định. Vì thế, không chỉ riêng Sở TN-MT mà tất cả các đơn vị, địa phương phải cùng vào cuộc. Vừa qua, các sở, ngành chức năng liên quan đã có cuộc họp chung bàn về biện pháp xử lý các cơ sở xả thải gây ô nhiễm hệ thống kênh rạch ở Hóc Môn - Bình Chánh. Các đơn vị đã thống nhất trước mắt sẽ rà soát lại các cơ sở do mỗi đơn vị cấp phép, quản lý, đồng thời tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng các chất xả thải ra môi trường có đạt chuẩn hay không. Với các cơ sở chưa được cấp phép thì kiên quyết xử phạt, bắt buộc ngưng xả thải. Trường hợp vượt quá thẩm quyền sẽ kiến nghị UBND TP xử lý.

Họng xả nước thải ra kênh NT5 của các cơ sở sản xuất tại ấp 3A, xã Vĩnh Lộc A, được ngụy trang bằng vải và cành cây
Ông NGUYỄN XUÂN HOÀNG, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TPHCM:
Hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn mới cấp phép
Hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bình Chánh tiếp nhận nước thải từ các KCN Lê Minh Xuân, Tân Phú Trung, An Hạ, khu xử lý chất thải rắn Phước Hiệp và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ dọc các tuyến kênh. Trong đó, có 15 cơ sở sản xuất do Sở NN-PTNT cấp phép xả thải (đã qua xử lý) vào hệ thống thủy lợi. Trong năm, Sở NN-PTNT tổ chức 3 đợt kiểm tra định kỳ và các đợt kiểm tra đột xuất. Nếu các cơ sở này vi phạm lần đầu, sẽ nhắc nhở, lần thứ hai sẽ bị tạm đình chỉ hoặc rút giấy phép xả thải, nhưng chưa có cơ sở nào vi phạm lần thứ hai. Còn các cơ sở Báo SGGP phản ánh trong số báo ngày 11-7 và nhiều cơ sở khác chưa được cấp phép xả thải vào hệ thống thủy lợi. Thế nhưng, việc thành lập thanh tra chuyên ngành thủy lợi hiện nay đang vướng một số thủ tục pháp lý, chưa hội đủ điều kiện để xử phạt nên tất cả các hồ sơ vi phạm đều chuyển qua cơ quan có thẩm quyền là Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT). Tuy vậy, xử phạt là giải pháp tình thế. Về lâu dài, TPHCM nên kiến nghị Chính phủ ra quy định tất cả các nguồn thải phải có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn mới được cấp phép hoạt động; đối với các nguồn thải có lưu lượng lớn, có thành phần chất độc hại cao thì chủ nguồn thải cần phải lắp đặt hệ thống quan trắc 24/24.
KHÁNH LÊ