Chương trình sữa học đường: Trẻ diện hộ nghèo khó tiếp cận

Từ ngày 16 đến 19-6, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) tổ chức đoàn giám sát tại một số quận huyện về việc thực hiện Nghị quyết 14/2019 của HĐND TPHCM (tiếp tục thực hiện Đề án Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn thành phố).

UBND quận 9 cho biết, đề án được quận chia theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ tháng 11-2019 đến tháng 1-2020) có 118 cơ sở giáo dục tham gia, với tổng số trên 10.500 trẻ; giai đoạn 2 (từ 25-5 đến nay) có 99 cơ sở tham gia, với gần 8.700 trẻ. Qua 2 giai đoạn triển khai có những thuận lợi xen kẽ khó khăn, như một số trường ngoài công lập, phụ huynh chưa quan tâm đến chương trình, số trẻ tham gia giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phụ huynh đăng ký chưa ổn định… 

Quận Thủ Đức hiện có 9.000 trẻ lớp 1 bậc tiểu học, số trẻ đăng ký uống sữa trên 5.000 trẻ (tỷ lệ trên 56%). Với bậc mầm non, quận có trên 7.121/22.692 trẻ tham gia uống sữa học đường, chỉ đạt trên 31%. Nguyên nhân số trẻ tham gia chương trình còn thấp là do sữa chỉ có một vị nên không hấp dẫn trẻ, nhiều trẻ bị ngán không chịu uống sữa học đường. Tiếp đó, dù phụ huynh được hỗ trợ 50% nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện về kinh tế để tham gia. Đặc biệt, địa bàn quận Thủ Đức có gần 60% dân số là lao động nhập cư. Chương trình sữa học đường cung cấp miễn phí cho trẻ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn thành phố, nhưng những trẻ thuộc hộ nghèo và cận nghèo từ các tỉnh về sinh sống trên địa bàn chưa được hưởng quyền lợi này.

Huyện Hóc Môn có 18 trường mầm non công lập, 8 trường mầm non tư thục, 226 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, với gần 18.000 trẻ mẫu giáo và 26 trường tiểu học với tổng số học sinh lớp 1 là 10.064 em. Trong học kỳ 1 (năm học 2019-2020) có 13.459/27.992 học sinh tham gia chương trình (tỷ lệ 48,08%); trong học kỳ 2 có 14.395/27.960 học sinh tham gia  (51,57%). 

Đoàn giám sát ghi nhận, biểu dương nhiều cách làm hay, sáng tạo của các quận huyện, đồng thời nhấn mạnh đây là đề án mang tính nhân văn sâu sắc của TPHCM. Việc triển khai chủ trương này cần liên tục thường xuyên, chứ không chỉ chốt đăng ký ở thời điểm bắt đầu. Các trường cần thường xuyên tuyên truyền giúp phụ huynh nhận thấy những lợi ích và tiếp tục cập nhật số lượng đăng ký tham gia.

Ông Tăng Hữu Phong, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, lưu ý các quận huyện, đối tượng trẻ em nghèo, cận nghèo mới thực sự là đối tượng rất cần uống sữa và khẳng định: “Chương trình rất nhân văn nhưng vì chuyện thủ tục (hộ khẩu) lại để các em các cháu - đối tượng rất cần thụ hưởng - ở ngoài danh sách. Trước mắt, đề xuất với các quận huyện, nếu số lượng không quá nhiều, trong phạm vi có thể đảm đương được, địa phương có thể chỉ đạo các đoàn thể, đơn vị liên quan, doanh nghiệp trên địa bàn chia sẻ, trước khi TPHCM có chủ trương đầy đủ cho việc này”.

Đề án Sữa học đường tại TPHCM được ngân sách thành phố hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp 20% và phụ huynh học sinh đóng góp 50% mức phí. Trẻ em mẫu giáo và học sinh lớp 1 thuộc diện nghèo, cận nghèo hoặc sống ở các cơ sở bảo trợ xã hội tham gia đề án sẽ được ngân sách TPHCM hỗ trợ 50% chi phí và doanh nghiệp 50%.

Tin cùng chuyên mục