Chuyện đẹp giữa đời thường

Giữa thời tiết nắng nóng cuối tháng 7, chúng tôi đến thăm cô Lưu Quế, nguyên Ủy viên thường trực Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến người Hoa TPHCM. Sau gần 4 năm bệnh nặng phải nằm liệt giường, cô Quế vẫn được gia đình và một “người dưng” chăm sóc chu đáo.
Chuyện đẹp giữa đời thường

Gieo mầm yêu thương

“Người dưng” đó không ai khác chính là cô Trần Liên, cháu nội của mẹ Việt Nam anh hùng Trần Tú Ngọc. Cô Liên chính là đứa con gái duy nhất của liệt sĩ Trần Thọ. Cô chưa được một lần được gặp mặt cha vì khi còn nằm trong bụng mẹ, cha cô đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đến năm 12 tuổi thì bà nội đã xin mẹ cô mang cô về nhà chung sống. Cô có khoảng thời gian 5 năm sống hạnh phúc cùng bà nội cho đến khi bà qua đời vào năm 1980. Đã gần 60 tuổi, lại từng bị tai nạn chấn thương vùng đầu, nên cô Liên đã quên khá nhiều những chuyện xưa. Nhưng cô vẫn nhớ như in những câu chuyện kể về cha cô với vết đạn bị bắn xuyên qua người… 

Cô cho rằng có thể do giác quan của người mẹ, nên dù chưa ai báo tin cho bà nội là cha đã mất, nhưng những giấc mơ về cha với vết thương cứ hiện về khiến bà nội day dứt mãi. Sau ngày giải phóng miền Nam, bà nội mới chính thức nhận được thông tin con trai đã mất.

Năm 1980 bà nội ra đi, cô Liên lại gặp một biến cố khác, không đủ sức để giữ lại căn nhà của bà nội. Cô ra đi với 2 bàn tay trắng. Cuộc đời của cô sau những chuỗi ngày dài không nhà không cửa đã may mắn gặp được quý nhân trong đời mình đó là cô Lưu Quế. Thông qua một người bạn, cô biết đến cô Quế, lúc bấy giờ đang là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 6. Sau khi nghe câu chuyện của cô, với những giấy tờ cô còn giữ, vốn cũng là một nhà hoạt động cách mạng, nên cô Quế xem việc giúp cô Liên như giúp chính con cháu của đồng đội mình.

Với sự giúp đỡ của cô Quế cũng như được Đảng - Nhà nước quan tâm và giúp đỡ, năm 1995 cô Liên đã được Ủy ban MTTQ quận 6 tặng căn nhà tình nghĩa nằm trên đường Kinh Dương Vương. Chưa dừng lại ở đó, cô Quế còn hỗ trợ giúp cô Liên để xin truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho bà nội cô. Tuy nhiên, do bà nội có nhận 2 người con gái nuôi, vì vậy việc xin truy tặng danh hiệu gặp rất nhiều khó khăn lúc bấy giờ. Tuy nhiên 2 cô cháu vẫn kiên trì đeo bám, thậm chí dù đã về hưu, nhưng cô vẫn giúp cô Liên tiếp tục bổ sung hồ sơ giấy tờ liên quan. Đến năm 2006 thì bà nội cô chính thức được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tuy nhiên một biến cố khác lại đến với cô Liên, 5 năm trước cô bị bệnh nặng, không có gia đình chia sẻ, số tiền để dành của cô cũng không còn, cô đành phải bán đi căn nhà duy nhất của mình để chữa bệnh, rồi số tiền còn lại cô mua căn nhà nhỏ hơn để ở.

Đền ơn đáp nghĩa

Vào ngày 3-9-2015 cô nghe tin cô Quế nhập viện hôn mê sâu, cô đã không ngần ngại xin gia đình đến giúp chăm sóc cho cô Quế. Ngoài ra do khi còn tham gia cách mạng cô Quế bị quân địch tra tấn đánh đập dã man, đặc biệt là phần đầu, hậu quả là sau cơn bạo bệnh những cơn đau và nỗi ám ảnh khiến cho cô Quế rất sợ phải ở một mình, lúc nào cũng mong có người bên cạnh. Chồng của cô - chú Long Đồ cũng là một nhà cách mạng lão thành luôn ở bên cạnh chăm sóc cô cho đến ngày chú mắc cơn bạo bệnh và đã ra đi mãi mãi vào tháng 4 năm nay. Chị Trường Thanh - con gái cô Quế tâm sự, cô rất cảm kích tấm lòng của cô Liên, lúc mẹ cô giúp cô Liên, không hề mong sẽ có ngày nhận lại gì cả, nhưng mẹ đã may mắn khi gặp được người như cô Liên. Họ là 2 con người không hề quen biết, chiến tranh khiến họ mất đi nhiều thứ, nhưng hòa bình lập lại, những nỗi đau chung của chiến tranh đã kéo 2 con người xa lạ với nhau. Giữa trưa, người hàng xóm mang bát canh chua và cá kho tộ qua cho chị Thanh. Như một thói quen 2 cô cháu nhanh chóng cùng đỡ cô Quế ngồi dậy, tranh thủ lúc chị Thanh vào lấy cơm ra ăn, cô Liên chải tóc và buộc lại gọn gàng cho cô Quế (ảnh).

Chào từ biệt gia đình, chúng tôi dường như đã quên hẳn cái nắng nóng của những ngày cuối tháng 7 chỉ còn đọng lại trong lòng tình cảm ấm áp giữa 2 “người dưng”.

Tin cùng chuyên mục