Chuyên gia hỗ trợ các nhà chế tạo trẻ Việt Nam phát triển sản phẩm thực tế

Ngày 2-5, tại TPHCM Hội nghị mạng lưới các FabLab châu Á lần 4 (FAN4) khai mạc với chủ đề “Đồng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn”.

Hội nghị do FabLab Saigon phối hợp cùng Không gian sáng tạo khởi nghiệp TPHCM - Saigon Innovation Hub (SIHUB) và mạng lưới các FabLab Việt Nam tổ chức. 

FAN 4  diễn ra trong 4 ngày, quy tụ các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Jordan, Ấn Độ, Philippines… nhằm kết nối những nhà chế tạo, những nhân tố đổi mới sáng tạo tại Việt Nam với bạn bè quốc tế; kết nối và điều phối để thúc đẩy các dự án có ích cho cộng đồng tại địa phương.
Cụ thể, trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia sẽ hỗ trợ kỹ thật và chuyên môn cho các dự án phát triển bền vững của nhiều cá nhân, tổ chức ở Việt Nam như: thiết bị lọc nước gắn xe đạp và hệ thống chiếu sáng công cộng bằng năng lượng mặt trời dành cho khu vực nông thôn; giải pháp dùng ống hút làm từ cỏ bàng để hạn chế rác thải từ ống hút nhựa của anh Trần Minh Tiến…
Các dự án trên đều nằm trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc và đã có nguyên mẫu hoàn thiện nhưng chưa thể phát triển quy mô lớn do hạn chế về công nghệ và nguồn vốn đầu tư. Vì thế, hội nghị lần này sẽ tìm ra các giải pháp kỹ thuật hiệu quả nhằm nhân rộng mô hình phát triển bền vững trên toàn quốc, đồng thời thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng sáng chế và chế tạo trẻ ở Việt Nam.
 Chuyên gia hỗ trợ các nhà chế tạo trẻ Việt Nam phát triển sản phẩm thực tế ảnh 1 Các bạn trẻ ham mê chế tạo trong không gian  FabLab Saigon

Phát biểu trong buổi khai mạc, bà Trần Thị Thu Hương, Vụ trưởng - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc của Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) đánh giá, việc nâng cao nhận thức về các mục tiêu phát triển bền vững như xử lý nước sạch, năng lượng sạch, bảo vệ môi trường… là một trong các hoạt động cộng đồng cần được khuyến khích và nhân rộng.

FabLab là không gian chế tạo và giáo dục dành cho cộng đồng. FabLab đầu tiên được thành lập vào năm 2009 tại phòng thí nghiệm MIT’s Center Bits and Atoms của Mỹ, đến nay đã có 1200 FabLab trên toàn thế giới.

Mạng lưới FabLab cung cấp các công cụ và kiến thức cho việc giáo dục, đổi mới và sáng tạo bằng cách sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và các phương pháp chế tạo dùng máy móc kỹ thuật số hỗ trợ các nhà sáng chế ở nhiều lĩnh vực. Bằng cách đó FabLab đóng góp vào việc cải thiện đời sống, kinh tế, văn hóa và môi trường trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, có 7 FabLab và FabLab Saigon là FabLab đầu tiên, tập trung vào giáo dục tư duy sáng tạo và các phương thức đổi mới sáng tạo trong việc chế tạo ra sản phẩm thực tế.

Tin cùng chuyên mục